Văn nghệ sĩ Bình Định hòa nhịp “tình yêu biển đảo”
Hòa chung nhịp đập cả nước hướng về biển đảo, thời gian này các hoạt động văn hóa, văn nghệ của văn nghệ sĩ Bình Định cũng mang nặng tình yêu biển đảo và có sức lay động xã hội bằng tác phẩm, các chương trình văn nghệ quần chúng (VNQC).
Nóng hổi tính thời sự
Ca khúc “Hành trang của người lính đảo” là sáng tác mới nhất của nhạc sĩ Đào Minh Tâm, được viết trong những ngày tháng 6 sôi sục thời sự chủ quyền Tổ quốc và tình yêu biển đảo. Tác phẩm vừa ra đời đã nhanh chóng được phổ biến đến công chúng như truyền đi ngọn lửa tình yêu biển đảo đến mọi người. Lần đầu tiên bài hát được hát tại đêm khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao miền biển tỉnh lần thứ XI - năm 2014 (12.6 tại Quy Nhơn) qua giọng hát ca sĩ Hiếu Thành. Lời bài hát giản dị, xúc động, giai điệu tha thiết, sâu lắng: Ngày xưa mẹ tiễn cha ra khơi ra khơi bám biển, hành trang mẹ trao là khúc dân ca thiết tha hình bóng quê nhà. Khao Lề Thế Lính cha ra đi không hẹn ngày về. Khao Lề Thế Lính cha mang theo nỗi nhớ tình quê. Ngày nay mẹ tiễn con ra khơi ra khơi bám biển. Hành trang mẹ trao vẫn khúc dân ca thiết tha hình bóng quê nhà. Hoàng Sa, Trường Sa thấm bao đời xương máu ông cha…
Nhạc sĩ Đào Minh Tâm chia sẻ: “Tôi viết ca khúc với cái tứ đã xác định từ đầu: Hoàng Sa, Trường Sa - bằng mọi giá phải gìn giữ cho muôn đời sau, với ca từ, giai điệu hùng tráng. Tuy nhiên, viết nửa chừng, tứ mới: hành trang - khúc dân ca mẹ trao cho cha, con ra khơi bám biển, giữ biển - ở đâu tự nhiên vụt đến, âm vang trong đầu tôi. Và, tôi chuyển hướng, khai thác ý tưởng, thể hiện bài hát như đã hoàn thành hiện nay. Hành trang - khúc dân ca ở đây mang ý nghĩa tượng trưng cho cội nguồn dân tộc, cho những truyền thống tốt đẹp, tự hào và cốt cách tâm hồn của người Việt Nam. Đó chính là vũ khí sắc bén nhất, sức mạnh để cả dân tộc đương đầu, đối đầu với những thế lực xâm hại đến Tổ quốc”.
Bên cạnh âm nhạc, văn học trong tỉnh những ngày qua xuất hiện nhiều bài thơ mới sôi sục tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ngợi ca những người con nối tiếp nhau canh giữ biển đảo. Các nhà thơ tiên phong này, có thể kể đến như nhà thơ Lệ Thu với “Công hàm của sóng”, “Thềm lục địa - cha và con”; Nguyễn Thanh Mừng với “Âm Linh tự và mộ lính Hoàng Sa”; Võ Ngọc Thọ với “Hồn dân tộc phất cao”, “Tổ quốc bị xâm lăng chúng tôi ngủ nào yên” - bài thơ ra đời ngay trong ngày 10.5 lịch sử, khi Trung Quốc mang giàn khoan Hải Dương- 981 đặt vào vùng biển của Việt Nam…
Đó vừa là những bài thơ “tốc ký” nóng bỏng tính thời sự, thể hiện sự nhạy bén, rung cảm mãnh liệt của người cầm bút trước phong ba, thử thách của đất nước, đồng thời là tiếng lòng bật lên từ nỗi quặn thắt cùng nhân dân, từ tình yêu lớn dành cho Tổ quốc:Đồng phục chúng con giờ là áo đỏ sao vàng/bài hát tiến quân ca đồng thanh mỗi sáng/những hờn giận vu vơ với thầy, với bạn/những nhố nhăng, phóng túng, đua đòi…/vứt hết rồi/con đã lớn/cha ơi! (…) Nếu ngã xuống cha ơi chiều biển động/bão của lòng người và bão của thiên nhiên/cha giữa trùng khơi làm cột mốc chủ quyền/con sẽ đến cùng cha nơi mút thềm lục địa (Thềm lục địa - cha và con). Tấc đất ông cha/không thể lơ là/xương máu tiền nhân/không đem mặc cả (Hồn dân tộc phất cao). Ra Hoàng Sa trấn Biển Đông/hùng binh mở ngực đo lòng nước mây/dựng bia tạo miếu trồng cây/mái chèo xé sóng buộc dây lời nguyền/Nâng niu thế kỷ chủ quyền/nâng lên bờ cõi tươi nguyên ròng ròng (Âm Linh tự và mộ lính Hoàng Sa).
Đậm nét chủ đề biển đảo
Trong phong trào VNQC vài năm gần đây, chủ đề biển đảo được thể hiện khá đậm nét trên mọi phương diện sáng tác, dàn dựng, biểu diễn. Tuy vậy, cao trào trong gần 2 tháng nay, chủ đề này đã chiếm vị trí chủ đạo, bao trùm trong đời sống sôi nổi của VNQC.
Ở phần thi văn nghệ, tất cả 5 đơn vị tham gia Ngày hội Văn hóa, Thể thao miền biển tỉnh lần thứ XI vừa qua đều đã mang đến, trình diễn những chương trình văn nghệ đậm đặc chủ đề biển đảo. Không thể quên những gian lao, hy sinh mất mát, ý chí dựng cột mốc chủ quyền thể hiện trong tiết mục múa “Giữ lấy Trường Sa” (đoạt giải Xuất sắc) của huyện Phù Mỹ. Không thể quên hình ảnh lớp lớp ngư dân nhiều thế hệ, với mái chèo trên tay, bước chân đi rầm rập, đồng lòng hô vang: Đi, ta đi lên, lấy lại Hoàng Sa/ Đi, ta đi lên, lấy lại Trường Sa - một lát cắt xúc động trong chuỗi các tiết mục của huyện Tuy Phước. Khán giả cũng có tiếng cười ý nghĩa khi xem tiểu phẩm vui, hài hước mà thâm thúy “Chuyện lạ có thật” của TP Quy Nhơn. Qua nhân vật người hàng xóm tham lam, lăm le chiếm dụng đất của “anh Phi”, “anh Nhật” rồi đến “anh Việt”, mũi nhọn tiểu phẩm xoáy vào giấc mộng bành trướng, bá chủ của Trung Hoa, qua đó, thông điệp về lòng yêu nước, ý thức chủ quyền lãnh thổ đi vào lòng người dân một cách tự nhiên, lôi cuốn.
Trăn trở cùng đề tài để mong cho ra đời những sáng tác, tiết mục mới về biển đảo cũng là mối quan tâm hàng đầu lúc này của hội viên các câu lạc bộ VNQC. Mới đây, chị Đỗ Thị Thúy, chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo Quy Nhơn, đã “khoe” tôi sáng tác mới nhất của chị: “Gửi anh nơi hải đảo xa”, viết theo điệu Tò vò. Khắp miền non nước nhìn theo/ én bay về báo tin thắng lợi/điệu chèo em hát/đón anh về vui khúc đoàn viên. Chị cho biết, đây sẽ là bài mới để hội viên tập luyện, sinh hoạt và biểu diễn trong thời gian đến.
SAO LY