Que kem của ba
Ba tôi gắn bó với nghề bán kem đã gần 20 năm. Cuộc sống của cả gia đình nhờ vào những đồng tiền lời từ xe kem đó của ba. Hồi nhỏ, ngày nào, 5 anh em tôi cũng mong ba về sớm để rồi ngồi bên xe, ngắm nghía mấy que kem.
Ba hiền lắm (ấy là hàng xóm đều nói thế), nước da ngăm đen vì nắng gió. Mẹ đau ốm quanh năm, mấy anh em càng lớn càng học nhiều, những chuyến bán kem rong của ba càng dài hơn. Ba bảo phải bán nhiều như thế để kiếm lời thật nhiều, để chia sẻ bớt khó khăn cho mẹ, để nuôi chúng tôi.
Nhưng, thể nào trong thùng kem cuối buổi chiều của ba vẫn còn lại ít nhất 3 cây kem để dành cho các con. Thế là đứa lớn, đứa nhỏ xúc kem bỏ vào bánh giống “cái kèn”, ngồi sát lại ăn kem. Bé út còn nhỏ quá, loay hoay mãi thế là kem tan chảy ra làm ướt bánh kem, nó vội đưa lưỡi liếm vị ngòn ngọt, beo béo, thơm thơm của cây kem tươi. Có lúc bé út không ăn, ngồi khóc vì kem tan hết rồi, ba lại âu yếm xoa đầu nó.
Những hôm bán đắt, ba có tiền. Tôi thích đu lên vai, choàng vào cổ ba, hôn vào má ba, xoa vào khuôn mặt ran rát vì phải đi ngoài đường, dưới cái nắng của những buổi trưa hè nóng hừng hực. Niềm vui cứ thế thấm dần, hòa tan trong nụ cười của hai cha con.
Ba bảo cây kem ngon hay không nhờ vào tỉ lệ pha trộn giữa các nguyên liệu bột, đường, mãng cầu, đậu xanh… Cây kem ba làm ra thơm ngon, vị ngọt dễ chịu, kem không tơi xốp mà dẻo thơm. Đều đặn ngày nào cũng tầm 2 giờ sáng, ba và mẹ đã thức dậy, loay hoay với kem. Đôi chân ba giữ lấy thùng kem, tay cầm cây đánh bột kem đặt giữa thùng đá bằng sắt, xoay hoài, tay quay nhanh, quay tròn đều đặn, suốt gần tiếng đồng hồ. Áo ba ướt đẫm mồ hôi…
Những đồng bạc lẻ ba nhặt nhạnh từ những que kem và lưng áo ướt đẫm mồ hôi của ba đã nuôi lớn anh em tôi. Năm tôi lên 8, ba đã không còn sau cơn bạo bệnh. Từ ngày ấy, tôi chẳng còn được thấy xe kem bán rong sau mỗi buổi chiều. Sự ra đi của ba để lại cho mẹ con chúng tôi những năm tháng đơn độc, thiếu hụt tình cha. Để rồi, mỗi ngày mòn mỏi nhìn về phía xa xa thèm được thưởng thức que kem mát lạnh nơi đầu lưỡi cùng tiếng reo vỡ òa “ba đã về”...
LÊ KIỂU