CHÀO MỪNG NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM 28.6
Cùng tìm hiểu, nâng cao kiến thức gia đình
Thực hiện nhiệm vụ công tác gia đình năm 2014 và kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28.6, vừa qua, Phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) huyện Tây Sơn phối hợp với LĐLĐ, Hội LHPN huyện tổ chức Cuộc thi tìm hiểu kiến thức gia đình.
Phát động trong thời gian khá ngắn (từ ngày 6 - 20.6), Cuộc thi đã thu hút 280 người (tương ứng với 280 bài dự thi) ở 3 khối: Giáo dục, phụ nữ và các công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc LĐLĐ huyện tham gia. “Đề thi” có 4 câu hỏi, trong đó 3 câu yêu cầu trình bày hiểu biết, kiến thức về 3 luật: Hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình; tính phân loại và hấp dẫn nằm ở câu 4 tự luận: Nêu quan điểm cá nhân về một gia đình hạnh phúc.
Chị Trần Thị Hà Diệp (hàng thứ 2, thứ 4 từ phải sang) cùng gia đình lớn của mình.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Lon, Phó trưởng phòng Phòng VH-TT huyện Tây Sơn, Trưởng ban giám khảo cuộc thi, hầu hết bài dự thi đều thể hiện và đáp ứng yêu cầu lớn nhất mà Cuộc thi đề ra, đó là chuyển tải được thông điệp gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội. Các quy định của 3 bộ luật, tầm quan trọng của công tác phòng, chống bạo lực gia đình, chống bất bình đẳng giới được tác giả dự thi trình bày khá đầy đủ, một số bài còn nêu dẫn chứng bằng các vụ việc, số liệu trong nước, trong tỉnh và phân tích, lý giải để làm rõ hơn vấn đề. Đáng chú ý là ở phần thi viết nêu quan điểm cá nhân (câu 4), người tham gia đã thể hiện cách nhìn, quan niệm đúng đắn, sâu sắc về hạnh phúc gia đình. “Không có “đáp án”, hình mẫu cụ thể nào cho một gia đình hạnh phúc, tuy vậy, các yếu tố quan trọng để mang lại hạnh phúc bền vững ở một gia đình là tình yêu thương; vai trò trách nhiệm; sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau; mỗi thành viên trưởng thành, đủ sức khỏe đều phải lao động để nuôi bản thân và góp phần xây dựng gia đình; đức tính hy sinh; sự quan tâm, chia sẻ… đều được mang vào, nhấn mạnh trong bài viết. Tôi có niềm tin rằng, sự đúng đắn, sâu sắc trong tư tưởng, nhận thức có tác động tích cực nhất định đến thái độ sống, cách ứng xử của mỗi người đối với gia đình trong thực tiễn cuộc sống gia đình họ. Đó là điều rất đáng mừng”, ông Lon chia sẻ.
Người đoạt giải cao nhất (giải A) Cuộc thi này là chị Trần Thị Hà Diệp - giáo viên dạy Văn (51 tuổi, dạy tại trường THCS Võ Xán, thị trấn Phú Phong). Trong nhiều tiêu chí để làm nên một gia đình hạnh phúc, cô giáo Hà Diệp chọn 3 điều mà chị cho là quan trọng nhất, đó là tình yêu, sự bình đẳng giới và mỗi người đều phải có công ăn việc làm. Trong bài viết của chị, phả vào đó dáng dấp, dấu ấn một “gia đình phong kiến hạnh phúc” như cách gọi của chính chị. Có thể cảm nhận từ tâm sự của chị dư vị êm đềm của người con sống dưới mái nhà ấm êm, nơi có người cha mẫu mực, đầy trách nhiệm, người mẹ hội tụ công, dung, ngôn, hạnh và anh em hòa thuận. Bên cạnh đó còn là mối trăn trở, ước ao về một sự bù khuyết, lấp đầy những khoảng trống nhỏ để vươn tới một giá trị hạnh phúc gia đình tròn đầy hơn.
Chị Hà Diệp tâm sự: “Tôi nhớ hoài lời chúc hóm hỉnh mà thâm thúy của một vị khách trong lễ cưới một người bạn thời tôi mới qua tuổi đôi mươi. Người khách này đã so sánh việc kết hôn với việc “nắm chính quyền” và cho rằng “cướp chính quyền không khó bằng giữ nó”. Ông chúc vợ chồng bạn tôi “có đủ sáng suốt, thận trọng, vị tha và đầy tinh thần xây dựng để giữ được tình yêu đẹp mãi với thời gian”. Về sau, tôi càng thấm thía đó là lời căn dặn ý nghĩa của một người từng trải. Tham gia Cuộc thi, tôi đã đem những suy nghĩ, chiêm nghiệm, trăn trở của mình, bày tỏ quan niệm về hạnh phúc gia đình - một chủ đề mà ai cũng quan tâm - không ngoài mục đích được chia sẻ, trao đổi và nhận lại những điều hay từ cuộc sống gia đình”.
Trong số các bài dự thi đoạt giải, bài của anh Nguyễn Đức Chí (CĐCS Văn phòng UBND huyện Tây Sơn) thể hiện sự đầu tư nghiêm túc, tâm huyết của người tham gia. Bài dài hơn 18 trang viết tay, với từng câu hỏi, vấn đề, anh đều cố gắng đi sâu phân tích, kèm dẫn chứng, nêu nguyên nhân, đưa ra những giải pháp khắc phục. Anh Chí cho biết: “Là đoàn viên công đoàn, tôi nêu cao tinh thần gương mẫu, hưởng ứng Cuộc thi này nói riêng cũng như các phong trào do CĐCS phát động. Đây cũng là cơ hội để mỗi người tiếp cận, nâng cao sự hiểu biết về những quy định, điều luật liên quan đến kiến thức về gia đình và là dịp bày tỏ suy nghĩ, quan điểm cá nhân về một vấn đề thiết thân với tất cả mọi người, tôi cho hai điều này đều cần thiết, bổ ích”.
Theo ông Lê Văn Hùng, Trưởng Phòng VH-TT huyện Tây Sơn, Cuộc thi là một trong những hoạt động chính chào mừng kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28.6 của huyện, nằm trong chương trình công tác gia đình năm 2014. “Vì kinh phí hạn hẹp và phát động trong thời gian khá ngắn, sau này ở những cuộc thi tương tự, chúng tôi sẽ mở rộng đối tượng tham gia đến mọi người dân, để hướng thêm sự quan tâm, tuyên truyền về vai trò quan trọng của gia đình trong xã hội”, ông Lê Văn Hùng cho biết thêm.
SAO LY