Người khuyết tật với việc tiếp cận chính sách, pháp luật:
Chật vật tìm đường
Tuyên truyền chính sách, pháp luật cho người khuyết tật không đơn giản. Nhưng một khi đã hiểu rồi, bản thân người khuyết tật lại phải loay hoay, chật vật mới có thể tiếp cận được các chính sách pháp luật và chính sách xã hội dành cho mình.
Thắc mắc biết hỏi ai
Có mặt tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh cùng với một số người bạn đồng cảnh ngộ để hỏi thủ tục xác nhận mức độ tỉ lệ khuyết tật, anh Phạm Phúc Nguyên (SN 1978, ở tổ 1, KV 6 phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) trình bày trường hợp của mình: “Tôi bị liệt do hai chân bị teo cơ bẩm sinh, sống bằng nghề bơm, vá xe đạp. Năm 2011, nghe nói người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội nên tôi làm đơn gửi UBND phường Nhơn Bình xác nhận. Ngày 27.6.2011, Hội đồng Giám định y khoa tỉnh kết luận tôi bị liệt 2 chi dưới mức độ vừa do dị tật bẩm sinh, với tỉ lệ mất sức lao động 70% vĩnh viễn (theo bản quy định tiêu chuẩn mất sức lao động do bệnh tật ban hành kèm theo Thông tư liên bộ số 12/TT-LB ngày 26.7.1995). Sau khi UBND phường Nhơn Bình cử người xuống xem xét tình hình sức khoẻ của tôi, họ trả lời trường hợp của tôi còn làm ra tiền, không được hưởng trợ cấp (!)”.
Anh Nguyên lập gia đình từ năm 2008, hiện có một con nhỏ. Vợ là công nhân, bản thân anh chỉ biết mỗi nghề bơm, vá xe đạp, thu nhập khoảng 30.000-40.000 đồng/ngày, trong khi tiền học cho con mỗi tháng đã mất 800 ngàn đồng. Anh Nguyên tâm sự: “Kinh tế gia đình khá chật vật, bản thân hay đau ốm nên tôi mong có sự quan tâm nhất định nào đó từ xã hội, nhất là được hỗ trợ về chế độ BHYT. Nếu không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật của phường Nhơn Bình thì tôi phải làm sao? Chẳng biết đi đâu, hỏi ai, nên tôi lần lữa mãi. Mới rồi, có người bạn tư vấn nên tôi xuống Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh hỏi thêm cho rõ”.
Ông Lê Thành Sơn, Trưởng Phòng Pháp luật- Lao động xã hội, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, cho biết: Qua tuyên truyền pháp luật, TGPL, nhiều đối tượng khuyết tật hiểu được các chính sách pháp luật, đặc biệt là các chính sách xã hội trực tiếp liên quan đến cuộc sống của họ. Tuy nhiên, khi đi làm các thủ tục họ gặp không ít trở ngại. Phản ánh của một số chi hội người khuyết tật cho thấy, hiện nay việc làm hồ sơ xác định mức độ và dạng tật chưa được một số địa phương quan tâm đúng mức. Theo quy định, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thì trong vòng một tháng, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã, phường phải đưa ra tổ chức họp xét, kiểm tra. Nhưng theo một số chi hội người khuyết tật thì có nơi kéo dài đến 3-4 tháng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.
Ông Lê Chí Sỹ, Chi hội trưởng Chi hội Khuyết tật Quy Nhơn, cho biết, nhiều người khuyết tật, vì lý do sức khoẻ, đi lại khó khăn nên chỉ biết đến các chính sách pháp luật, chính sách xã hội này sau khi trở thành thành viên của nhóm. Tuy nhiên, khi trực tiếp đi làm các thủ tục để được hưởng trợ cấp, họ lại gặp không ít trở ngại. Có người nản lòng, bỏ luôn.
Theo quy định, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thì trong vòng một tháng, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã, phường phải đưa ra tổ chức họp xét, kiểm tra. Nhưng theo một số chi hội người khuyết tật thì có nơi kéo dài đến 3-4 tháng
Cách đây chưa lâu, khi Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tổ chức tọa đàm những khó khăn vướng mắc trong công tác TGPL cho người khuyết tật, các đại biểu tham gia cũng cho rằng do hạn chế trong việc hòa nhập, và trình độ học vấn thấp, người khuyết tật khó tự bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình. Vì vậy, việc tuyên truyền pháp luật, TGPL cho đối tượng này là rất cần thiết. Ngày 9.6.2014, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện TGPL cho người khuyết tật trong năm 2014, bảo đảm 100% người khuyết tật được TGPL khi có yêu cầu.
TGPL thì có thể thực hiện được, nhưng để người khuyết tật tự thân vận động để biến chính sách thành thực tế thì hãy còn lắm khó khăn. Bản thân người khuyết tật, nếu không có đủ kiên nhẫn, sức khoẻ thì khó mà theo đến cùng.
Mới đây, ông Nguyễn Thành D. (SN 1964, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) cho biết ông đã được hưởng chế độ trợ cấp xã hội dành cho người khuyết tật, sau một tháng trời làm hồ sơ. Khoảng tháng 3.2014, ông D. làm đơn gửi UBND phường Đống Đa để hưởng chế độ nhưng Hội đồng xác định tỉ lệ mức độ khuyết tật của phường kết luận trường hợp của ông nhẹ, không đủ tiêu chuẩn để hưởng trợ cấp xã hội, dù năm 1993, ông D. được Hội đồng giám định y khoa tỉnh công nhận mất 71% sức khoẻ do bị liệt hai chân. Không đồng ý, ông D. khiếu nại lên phường và trực tiếp lên UBND TP Quy Nhơn để hỏi và được hướng dẫn làm lại. Kể lại đoạn trường đi làm hồ sơ, ông D. cho biết: “Hiện tôi hưởng tiền trợ cấp mức 270 ngàn đồng/tháng, được cấp thẻ BHYT với mức đồng chi trả chỉ 5%. Nếu không theo làm đến cùng, làm gì mà được hưởng chế độ như vậy. Thôi thì, một tháng trời chống nạng lên xuống làm thủ tục coi như cũng bõ công”.
NGUYỄN SƠN