Để bền vững và hiệu quả
Nhiều năm qua, tình trạng nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sản xuất ở nước ta luôn nằm trong trạng thái thiếu bền vững do độ “tùy biến” trong sản xuất của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực diễn biến rất… tùy tiện. Cái sự tùy tiện thấy rất rõ ở cái cách làm ăn “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi trồng”, cứ thấy mùa này trồng cây gì, nuôi con gì có thu nhập kha khá một tí là mùa sau cả làng cả xã đua nhau làm không cần biết thị trường tiêu thụ ở đâu, giá cả thế nào.
Vì vậy, cái điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ diễn ra hết năm này qua năm khác. Không nói đến việc sản xuất các loại cây ngắn ngày như dưa, ớt, rau màu … mà ngay cả các ngành sản xuất chủ lực có quy mô lớn như nuôi cá tra, sản xuất lúa, khai thác chế biến thủy hải sản…, tình trạng làm ăn phập phù, nay được mai mất vẫn cứ diễn ra thường xuyên như một căn bệnh kinh niên. Hậu quả của tình trạng này thì ai cũng biết, đó là: sản xuất bấp bênh, sản phẩm kém cạnh tranh, thị trường bất ổn, không có lợi nhuận thậm chí lỗ lã nhiều hơn…, làm cho nền kinh tế thiếu sức cạnh tranh và ngày càng tụt hậu trong môi trường toàn cầu.
Soi vào thực trạng sản xuất kinh doanh trong nước thời gian qua thì thấy rằng đó là kết quả tất yếu khó tránh khỏi của lối sản xuất “mạnh ai nấy lo”. Chẳng hạn, trong sản xuất lúa gạo thì nông dân cứ lăn lưng ra ruộng mà làm, còn việc mua bán thì do thương lái hay các nhà xuất khẩu đảm nhận. Do hai bên hầu như thiếu sự liên kết nên cảnh “được mùa rớt giá, được giá mất mùa” xảy ra thường xuyên và phần thiệt bao giờ cũng ở phía người sản xuất là nông dân. Và không chỉ một ngành mà rất nhiều ngành cũng có cách làm rời rạc tương tự như thế. Sản xuất là gốc mà đình đốn thì còn đâu động lực để mà phát triển. Thế nên sự ì ạch của nền kinh tế của chúng ta như lâu nay cũng là điều tất yếu.
Trong bối cảnh “thế giới phẳng” như hiện nay, hoạt động sản xuất trên thế giới đã hình thành nên các chuỗi sản xuất toàn cầu mà ở đó mỗi công ty, doanh nghiệp hay quốc gia sẽ góp phần mình vào chuỗi giá trị chung ở một phân khúc nào đó có thế mạnh tốt nhất và hưởng thành quả từ sự góp phần nhiều hay ít, hàm lượng sáng tạo cao hay thấp trong sản phẩm cuối cùng. Vì vậy, hiện nay điều dễ nhận thấy là bất cứ sản phẩm hàng hóa nào, dù là một chiếc xe hơi hay bộ quần áo, tuy mang thương hiệu của một công ty, ghi xuất xứ của một quốc gia nhưng nó là sự tích hợp từ rất nhiều chi tiết, linh kiện bộ phận của rất nhiều nhà sản xuất, đến từ nhiều nơi trên thế giới. Chính sự tối ưu hóa sản xuất theo chuỗi như thế mà sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh rất mạnh nhờ tích hợp được các ưu thế về giá nhân công, hàm lượng kỹ thuật công nghệ, hệ thống phân phối… Và đó cũng là công thức chung cho sự thành công của nhiều thương hiệu mang tầm cỡ toàn cầu.
Có thể nói, đã đến lúc chúng ta không thể duy trì lối làm ăn manh mún “ai làm nấy biết” như lâu nay mà cần có sự thay đổi mang tính đột phá về tư duy để sản xuất trong nước tăng sức cạnh tranh quốc tế, thực sự có hiệu quả và phát triển bền vững. Vì vậy, hãy nhìn ra thế giới để thay đổi cách làm ăn, hãy liên kết giữa các khâu của quá trình sản xuất để tăng hiệu quả, hãy tập hợp nguồn lực đủ mạnh để tăng sức cạnh tranh... Bài học quý báu đúc kết từ lịch sử mấy ngàn năm giữ nước của dân tộc ta “đoàn kết là sức mạnh” vẫn nguyên vẹn giá trị trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước hôm nay.
Hải Đăng