Vài nét về chiếc ghe bầu
Ghe là loại thuyền nan đi đánh bắt hải sản, chính giữa phình ra, mũi hai đầu nhọn vút cao nên gọi tên vậy. Trước đây, cư dân dọc theo ven biển miền Trung đều dùng loại ghe này để đi đánh bắt hải sản.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, ghe bầu là biến âm của hai từ Mã Lai-Nam Đảo: “gay” và “pràu”. “Gay” có nghĩa là ghe thuyền và “pràu” là thuyền buồm Mã Lai. Đặc điểm chính của loại thuyền này là trong khi mạn đón gió của con thuyền có dạng tròn thì mạn khuất gió của nó lại bằng phẳng ở hai đuôi thuyền, cả hai đuôi có hình dạng hoàn toàn giống nhau, và vì thế có một thân thuyền nhỏ có hình dáng tương tự treo lơ lửng bên mạn của thân thuyền chính những mái chèo. Thân thuyền nhỏ trên có chức năng như cái móc chèo và ngăn không cho thuyền bị nghiêng. Trên thân thuyền chính có buồm, cột buồm, dây thừng và một cái buồm hình tam giác.
Theo Địa chí Long An thì ghe bầu là loại ghe có tải trọng lớn, chạy buồm, có nhiều chèo để đi sông và đi biển dài ngày. Trước đây, những nhà buôn lớn thường dùng ghe bầu chở gạo thóc từ miền Trung và mua vải vóc, hàng hóa, lâm thổ sản từ miền Trung đưa vào Nam bộ.
Như vậy, có thể hiểu ghe bầu là loại ghe đi biển chạy bằng buồm, chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hóa, ra đời từ giữa thế kỷ XVI. Tên gọi ghe bầu xuất phát từ cái dáng bụng bầu tròn và con mắt trên đầu thuyền, bụng phình ra rất to để chứa được nhiều hàng hóa.
Ghe bầu Hoài Nhơn (Bình Định) chạy bằng 3 buồm ngang và to. Giữa là buồm lớn (buồm lòng), phía trước gần mũi là buồm mũi, phía sau lái bên hông là một buồm phụ - buồm ưng. Hai cột buồm (mũi và lòng) đều có dây chằng từ đầu cột xuống đến hai be ghe, bằng mây song léo đôi, cột mũi chỉ có hai dây. Thân ghe bầu đóng bằng ván (be) chồng cao hai hoặc ba lớp (gọi là be đôi, be ba), giữa ghe là đòn ganh, có trụ giữa không đưa tới đưa lui được. Đòn ganh là tấm ván dày, dài gấp đôi chiều ngang của ghe, có dây chằng từ đầu cột buồm lòng xuống, giữa hai đầu đòn ganh. Dưới be có một phần nằm trọn dưới nước là mê ghe, được đan bằng nan cật tre dày và lớn bản, trét dầu rái. Hai đầu ghe bầu là hai sỏ lớn, dùng nguyên thân mù u, có chiều hơi cong, được khoét rỗng để tra lái ống (sỏ lái) và tra xa bác (sỏ mũi). Tải trọng của ghe bầu đáy nan thường từ 2-14 tấn.
Xóm Trường ở Quy Nhơn là phường thủ công đóng thuyền chuyên nghiệp từ thời Tây Sơn. Dưới thời Nguyễn, đội ngũ đóng thuyền ở đây lên tới vài trăm người. Nguyên liệu chính là tre, mua ở các vùng Kiên Mỹ, Phú An, Nhơn Thọ... Gỗ khai thác ở vùng rừng phía Tây. Tre được đan thành các mê ghe, rồi chuyển cho các phường thuyền để be ghe với các dụng cụ như nài, chèo, đá... để uốn thành các kiểu dạng thuyền tùy theo kích thước và mẫu mã của khách hàng .
Người ta dùng phân trâu trát lên mê ghe vài lớp rồi dùng cùi dừa nhúng dầu rái đánh mạnh lên ghe để chống thấm nước và rò rỉ. Còn làm be gỗ và đóng thuyền gỗ đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao. Vào đầu thế kỷ XX, ghe bầu Quy Nhơn được đánh giá rất cao: Quy Nhơn có nhiều ghe bầu đóng bằng gỗ có sức chứa lớn, độ bền cao, có thể đi lại nhiều ngày trên biển cả.
Ghe bầu Bình Định mỗi chiếc thường có 6-7 lao động, gồm lái ghe, lái phụ, tổng thương, tổng khậu và bạn ngang. Lái ghe là ông chủ ghe bầu có nhiệm vụ giữ tiền bạc và phụ trách việc mua bán hàng hóa. Lái phụ là tài công, cầm lái chạy ghe, điều động dàn bạn, xem như “hoa tiêu”, người thông thạo các luồng lạch, thời tiết nhất. Khi trời thanh bể lặng, thuyền giong cả ba buồm rẽ sóng mà chạy. Khi biển động thì cập bến trú ẩn. Ngày xưa, tham gia vào những chuyến hải trình dài ngày trên biển là rất nguy hiểm, ranh giới giữa cái sống và cái chết nhiều khi chỉ trong gang tấc.
ĐINH BÁ HÒA