Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc - 2014:
Bài chòi Bình Định tỏa sáng
1 HCV, 1 HCB cùng Giải phụ diễn xuất sắc mà nghệ sĩ Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định vừa giành được tại Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc - 2014 là kết quả rất ấn tượng. Thành tích này góp thêm bề dày nghệ thuật của sân khấu bài chòi Bình Định và hứa hẹn lạc quan vai trò kế cận của đội ngũ diễn viên trẻ.
Tỏa sáng ở xứ sở cải lương
Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc - 2014 được ví như “giải Trần Hữu Trang mở rộng”, vì cả thảy 15 đơn vị nghệ thuật tham gia, chuyên ngành cải lương đã “áp đảo” với 14 đoàn, nhà hát. Vì thế, Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định vô tình trở thành đại diện duy nhất cho ngành bài chòi nói riêng và ngành dân ca kịch nói chung của cả nước. Vinh dự lớn cùng trách nhiệm nặng nề, sức ép tâm lý dồn lên vai 6 diễn viên trẻ của Đoàn tham gia Cuộc thi này (gồm 3 kép: Hoài Tâm, Thanh Hải, Phương Phú; 3 đào: Thùy Dung, Bạch Lan, Hồ Điệp). “Trùng hợp là Cuộc thi lại diễn ra trên đất Tây Đô, Cần Thơ - quê hương của loại hình nghệ thuật cải lương. Khi Đoàn đến nơi, các anh em bạn nghề chào đón và nói đùa rằng “đoàn Bình Định tính vào hang cọp để bắt cọp sao!”, NSND Hoài Huệ, Trưởng Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định kể vui chuyện bên lề Cuộc thi.
Tuy nhiên, “mang chuông đi đánh xứ người”, các nghệ sĩ trẻ bài chòi Bình Định đã làm nên dấu ấn. 2 diễn viên Thùy Dung (vào vai công chúa Ngọc Hân, trích đoạn “Đêm Phú Xuân”, vở “Anh hùng với giai nhân”) và Bạch Lan (vai đứa con, trích đoạn “Tìm mẹ”, vở “Đứa con tôi”) đã đứng vào hàng ngũ 18 tài năng trẻ của cả nước được vinh danh (trong tổng số 49 thí sinh tham gia Cuộc thi). Đoạt hai huy chương, Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định được xếp ngang hàng với các “anh cả” trong làng nghệ thuật, như: Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Cải lương Hà Nội (cũng đoạt 2 huy chương).
Điều đặc biệt hơn, chiếc HCV mà nghệ sĩ Thùy Dung mang về cho Đoàn lần này cũng là thành tích cao nhất từ trước đến nay của ngành dân ca cả nước tại các kỳ liên hoan, thi tài năng diễn viên trẻ. “Sân chơi này diễn ra lần đầu vào năm 1992, tiếp đó là các năm 1998, 2003. Qua 3 lần, thành tích cao nhất mà ngành dân ca đã làm được là 1 HCB, cũng thuộc về diễn viên Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định (tức HCB vào kỳ năm 1998 của NSƯT Thiên Chi, vào vai Dạ Hương, vở “Hương thầm”). Gián đoạn 11 năm, chính người của Đoàn, người của Bình Định “phá kỷ lục” ấy và lập nên thành tích cao hơn. Nói sao hết niềm hạnh phúc lúc này của tất cả nghệ sĩ Đoàn chúng tôi! Bởi đây là sự khẳng định, công nhận của người trong nghề dành cho ca kịch bài chòi Bình Định”, NSND Hoài Huệ cho biết.
Lạc quan với lực lượng kế cận
“Thành công lớn tại Cuộc thi lần này, hơn cả 2 tấm huy chương, theo tôi chính là sân khấu bài chòi Bình Định đã mang đến cho bạn nghề cả nước sức trẻ, sự đồng đều trong tài năng của dàn diễn viên trẻ. Điều này cũng cho thấy sức sống, sức thanh xuân của di sản bài chòi trên quê hương Bình Định”.
NSND Hoài Huệ khẳng định
Đằng sau thành công mà Thùy Dung và Bạch Lan vừa gặt hái được là vai trò rất lớn của NSƯT Hồ Thu, người trực tiếp truyền dạy vai. Tuy nhiên, như NSƯT Hồ Thu nhìn nhận, thi tài năng trẻ, chọn được trích đoạn hay, nhiều đất diễn cho diễn viên, có thầy giỏi truyền vai mới chỉ là yếu tố nền tảng ban đầu. “Quyết định vẫn là ở tài năng, nội lực của chính các em. Cả 6 em tham gia thi đều là những hạt giống tốt của Đoàn. 2 em có giải vừa lĩnh hội được những gì thầy trao truyền mà còn thể hiện bứt phá, sáng tạo, có nét riêng. 4 em không có huy chương, các em đều cảm nhận sâu sắc qua Cuộc thi tính bổ ích của một môi trường học nghề, điều này cho thấy ý thức cầu thị, vươn lên trong nghề của các em rất cao”, NSƯT Hồ Thu tâm sự.
Là thành viên Ban giám khảo, theo NSND Hoài Huệ, một nhược điểm lớn bộc lộ qua Cuộc thi nằm ở công tác đạo diễn. Nhiều trích đoạn thi, đạo diễn dàn dựng theo kiểu hoành tráng, màu sắc, với dàn phụ diễn, múa minh họa đông đảo, cảnh trí sân khấu bắt mắt… làm lấn át đất ca, đất diễn của diễn viên, không phù hợp với đặc thù sân chơi tài năng trẻ vốn chỉ dành để tôn vinh tài năng diễn viên. Nắm bắt tiêu chí Cuộc thi cộng với trình độ nghệ thuật “nhà nghề” lẫn kinh nghiệm làm giám khảo, dưới vai trò đạo diễn của NSND Hoài Huệ và NSƯT Hồ Thu, các trích đoạn dự thi của đoàn Bình Định đã không mắc phải lỗi này. Nghệ sĩ Thùy Dung cho biết: “Các trích đoạn chọn dự thi đều là những trích đoạn mẫu mực, tiêu biểu và được chắt lọc, nâng cao về mặt đạo diễn. Trong truyền vai, chúng tôi luôn được định hướng, nhắc nhở phải huy động tối đa khả năng hóa thân, thể hiện sâu sắc nội tâm nhân vật, chinh phục bằng nội lực và sáng tạo riêng. Trong thành công của chúng tôi tại Cuộc thi vừa qua có tác động lớn từ sự truyền nghề và cách truyền “lửa” ấy”.
Trong lực lượng 30 diễn viên hiện tại của Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định, diễn viên ở độ tuổi 40 trở xuống chiếm đến 70%. Theo thời gian, đội ngũ trẻ này lại thể hiện sự trưởng thành qua từng vai diễn, vở diễn. Thành tích lần này, kết hợp với những thành tích trước, mà gần và thuyết phục nhất là tại Liên hoan Dân ca kịch toàn quốc năm 2011 (tại đây Đoàn đã đoạt 4 HCV, 6 HCB), chứng tỏ công tác dự nguồn của Đoàn đã luôn được chú trọng, cho hiệu quả thực tế.
SAO LY