NHÂN NGÀY BẢO HIỂM Y TẾ VIỆT NAM 1.7
Tiến tới BHYT toàn dân: cần những giải pháp căn cơ
Quyết định 538/QĐ-TTg ngày 29.3.2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020” được xem là cơ sở quan trọng để tiến đến mục tiêu BHYT toàn dân. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Phạm Mai, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh một số vấn đề xung quanh việc triển khai Quyết định này ở tỉnh ta.
Ông Phạm Mai cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định 538/QĐ-TTg, với mục tiêu chung là mở rộng phạm vi bao phủ của BHYT về tỉ lệ dân số tham gia, về phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng và giảm tỉ lệ chi trả từ túi tiền của người sử dụng dịch vụ y tế. Theo kế hoạch này, toàn tỉnh phấn đấu đạt tỉ lệ dân số tham gia BHYT đến năm 2015 từ 70% trở lên và đến năm 2020 từ 80% trở lên; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật; đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Để mở rộng đối tượng tham gia BHYT, nhất thiết phải có cách làm phù hợp với từng đối tượng. Ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?
Đối với một số nhóm đối tượng có tỉ lệ tham gia BHYT thấp, cùng với giải pháp chung như tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT, vận động tham gia, cần thực hiện các giải pháp phù hợp với từng nhóm, nhằm tăng cường tính hấp dẫn của BHYT, bảo đảm người có nhu cầu được tiếp cận với thông tin về BHYT và thuận lợi trong việc tham gia BHYT.
Chẳng hạn, với nhóm người lao động trong các doanh nghiệp, cần xây dựng cơ chế thu BHYT về thời gian, hình thức thu phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp; củng cố cơ sở y tế trong doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc. Với nhóm trẻ em dưới 6 tuổi, phải làm tốt công tác phối hợp giữa UBND cấp xã, cơ quan LĐ-TB&XH và BHXH trong việc lập, bàn giao danh sách trẻ, hạn chế tối đa việc bỏ sót, cấp muộn, cấp trùng thẻ.
- Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, một giải pháp căn cơ cần được quan tâm là nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT…
Đúng vậy. Việc triển khai thực hiện chính sách BHYT phải đồng bộ với củng cố, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần, thái độ, đạo đức nghề nghiệp để bảo đảm chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người bệnh có thẻ BHYT ở cả hệ thống khám chữa bệnh nhà nước và tư nhân. Nhiều năm qua, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác khám chữa bệnh được đầu tư còn hạn chế; cơ chế chính sách BHYT còn nhiều bất cập, nên ngành Y tế và ngành BHXH còn nhiều khó khăn trong quá trình phối hợp triển khai thực hiện chính sách BHYT tại địa phương. Do đó, phải đầu tư trang thiết bị, xây dựng, cải tạo và mở rộng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, cần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ y tế tuyến dưới, triển khai các quy định về phân tuyến và chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm nguyên tắc phù hợp với năng lực chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh, thuận lợi trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Cùng với đó là xây dựng cơ chế phù hợp để các cơ sở y tế tư nhân, bao gồm các phòng khám tư nhân có đủ điều kiện tham gia khám chữa bệnh BHYT; xây dựng và phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình khi có điều kiện…
- Thế còn vai trò của ngành BHXH thể hiện như thế nào trong quá trình đẩy nhanh tiến trình BHYT toàn dân, thưa ông?
Ngành BHXH xác định phải tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện BHYT; củng cố, nâng cao năng lực bộ máy thực hiện BHYT từ tỉnh đến cơ sở; cải cách hành chính mạnh mẽ, tăng cường đào tạo nâng cao năng lực, chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác BHYT. Từng hoạt động cụ thể sẽ được chú trọng, như tổ chức các đại lý BHYT ở các xã, phường, thị trấn nhằm phát triển đối tượng tham gia BHYT; phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức tốt BHYT học sinh, sinh viên, phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT theo hình thức bắt buộc; phối hợp với UBND cấp xã để thực hiện việc vận động tuyên truyền và thu BHYT mang tính bắt buộc đối với hộ gia đình theo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, tiến tới BHYT toàn dân.
Ngoài ra, cần cải cách thủ tục hành chính trong việc lập danh sách để in thẻ, tổ chức in và cấp phát thẻ BHYT; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành; áp dụng hệ thống phần mềm thông tin quản lý thu, chi, giám định BHYT, thống kê, báo cáo công tác khám, chữa bệnh BHYT. BHXH tỉnh sẽ đề nghị BHXH Việt Nam xây dựng phần mềm được áp dụng chung cho cơ quan BHXH và cơ sở khám chữa bệnh, cùng với cơ sở dữ liệu dùng chung và chia sẻ thông tin giữa ngành BHXH và ngành Y tế. Thành lập Phòng BHYT tại Sở Y tế cũng là việc quan trọng cần thực hiện sớm.
- Xin cảm ơn ông.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)
Chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT đến năm 2020:
STT
Địa phương
Số người
tham gia
Tỉ lệ tham gia
1
Quy Nhơn
235.420
81%
2
Tuy Phước
152.101
81,6%
3
Vân Canh
23.661
92,5%
4
Tây Sơn
104.212
5
Vĩnh Thạnh
30.430
96,6%
6
An Nhơn
150.731
81,5%
7
Phù Cát
157.738
8
Phù Mỹ
142.430
81,2%
9
Hoài Nhơn
173.320
81,3%
10
Hoài Ân
71.386
11
An Lão
27.412
Tổng cộng
1.268.841
82,1%