Thắc thỏm những đêm World cup
Đêm qua cháu lại đập cửa đòi vào nhà: “Nội cho con vào nhà đi nội”. Nghe cháu kiên trì đứng ngoài réo gọi, bà đã định ra mở cửa. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, bà thấy là không nên vì ba mẹ cháu đã dặn bà “không được nối giáo cho giặc”. Thế là cháu nổi điên, lớn tiếng xúc phạm cha mẹ, rồi đến cả ông bà vì “không thương cháu, thấy chết mà không cứu”.
Đây không biết đã là lần thứ bao nhiêu cháu về quậy bà kiểu này. Kể từ ngày cháu mê cá độ, đỏ đen theo trái bóng lăn, gia đình ta hầu như không có một ngày yên ổn. Tiền cháu làm ra ít mà chơi cá độ thì nhiều. Hết tiền, cháu về cắm xe, trộm tiền của cha mẹ, ông bà. Nhà có cái gì cũng đem đi cất giấu, chỉ sợ cháu thấy được thì coi như chẳng còn. Đến mùa World Cup, tình trạng càng bi đát hơn nhiều. Hôm nào cháu ăn, mặt mày tươi tỉnh một chút, còn thua thì coi như người mất hồn. Nhiều lần cháu về bíu bà: “Bà cứu cháu với không thì bọn chúng xử cháu mất. Cháu hứa với bà chỉ lần này thôi”.
Tin lời cháu, còn vài ba triệu đồng dành dụm, nín nhịn, bà lén ông đưa cho cháu: “Chỉ lần này thôi nghen con. Ông bà già rồi, chẳng còn sống bao lâu nữa đâu. Con đừng phụ lòng tin của cả gia đình”. Cháu vâng dạ lia lịa, để rồi ngựa vẫn quen đường cũ. Trước khi mất, trước sau ông nội chỉ canh cánh mối lo tương lai của cháu sau này. Ông mất đã 5 năm rồi, tật xấu của cháu không dứt, trái lại, ngày một nặng hơn.
Cha mẹ từ cháu, cấm cửa không cho vào nhà, cháu tìm đến bà. Lẽ ra, bà phải cương quyết với cháu, nhưng bà đã không làm được như thế. Để rồi, hết lần này đến lần khác, bà dấm dúi cho cháu tiền trả nợ. Bình thường cháu là đứa cháu hiếu đễ, biết trước biết sau, nhưng khi đã lâm vào ma trận cá độ, cháu thành một con người khác hẳn. Hở ra cái gì là cháu “nhặt” cái đó. Không được thỏa mãn, cháu điên cuồng đập phá, la hét. Đã nhiều lần gia đình và cả bà đã nhờ đến chính quyền địa phương can thiệp, riết rồi người ta cũng ngán ngẩm, lờ đi. Nhiều lúc không chịu đựng nổi cháu, cha cháu đã buột miệng: “Giá mà nó chết đi cho rảnh nợ”.
Nhiều người đã khuyên, hãy cứ coi như nó không tồn tại. Cha mẹ nó đã từ con, thì hà cớ gì mà bà không từ cháu. Nói thì dễ. Song, như một cái ung nhọt, đã cắt bỏ đi rồi, sẹo vẫn hãy còn đó, huống hồ cháu là ruột rà, máu mủ của bà.
Đêm nay, bà đi nằm sớm, lòng thắc thỏm không biết khi nào cháu về đập cửa, la hét làm ảnh hưởng đến xóm làng. Đứa cháu đích tôn không làm rạng danh dòng họ mà trái lại, chỉ làm cho mọi người xấu hổ, ê chề. Bà chẳng biết sống chết khi nào, vậy mà sao cháu vẫn không thể để cho bà yên ổn sống nốt những năm còn lại.
ANH THƯ (ghi theo lời kể của một người bà)