Tôn vinh nghệ nhân gìn giữ di sản văn hóa
Ngày 25.6, Chính phủ đã ban hành Nghị định (NĐ) số 62/2014/NĐ - CP Quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Việc triển khai NĐ sẽ tôn vinh xứng đáng những nghệ nhân tài năng và tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc.
Xét tặng theo nhiều tiêu chuẩn
Theo Nghị định số 62/2014/NĐ-CP, để được xét tặng danh hiệu NNƯT phải đáp ứng được đầy đủ nhiều tiêu chuẩn. Trước hết, người được xét phải chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng; đào tạo được cá nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Nghệ nhân phải có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương. Tài năng và cống hiến của nghệ nhân thể hiện cụ thể qua việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật. Ngoài ra, “điều kiện đủ” để được xét tặng là NNƯT phải có thời gian hoạt động gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể từ 15 năm trở lên.
Nghệ nhân sau khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNƯT, mới tiếp tục đề nghị xét tặng danh hiệu NNND. Để trở thành NNND phải có tài năng đặc biệt xuất sắc và cống hiến to lớn, tiêu biểu trong thời gian hoạt động từ 20 năm trở lên cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “trong phạm vi cả nước”.
Các NNND, NNƯTsẽ nhận huy hiệu, giấy chứng nhận của Chủ tịch nước và tiền thưởng kèm theo. Đặc biệt, vấn đề được nhiều người quan tâm là đối với NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn sẽ được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng theo quy định của Chính phủ. Đi kèm với quyền lợi thì các nghệ nhân được công nhận phải có nghĩa vụ không ngừng hoàn thiện và truyền dạy tri thức, kỹ năng…
Cơ hội tôn vinh nghệ nhân Bình Định
Nghệ nhân Minh Đức tâm sự: “Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nên rất phấn khởi mong chờ khi nghe xét tặng danh hiệu nghệ nhân gắn với sự hỗ trợ cụ thể của Nhà nước. Nhưng, nhưng nghe nói việc làm hồ sơ cá nhân để xét tặng thì phải viết lách phân tích cụ thể, rồi chụp hình, quay phim mô tả về kĩ năng đang nắm giữ… tôi thực sự lo lắng liệu mình có hoàn thành đủ hồ sơ không?”.
Căn cứ theo những quy định của Nghị định số 62/2014/NĐ-CP, ở tỉnh ta có thể tập trung trước hết cho việc đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân trong loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Bình Định, cho biết: “Trong số 7 nghệ nhân dân gian ở Bình Định đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận, có 3 nghệ nhân: Minh Đức, Minh Liễu và Phan Chí Thành đáp ứng được tiêu chuẩn đề nghị xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong nghệ thuật trình diễn dân gian”. Theo các nhà chuyên môn đánh giá, nghệ nhân Minh Đức có thể được đề nghị xét tặng danh hiệu NNND, bởi gìn giữ tốt “ngón nghề hiếm” và hiện vẫn tích cực cống hiến cho công tác bảo tồn và phát huy hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định. Qua đó, nghệ nhân Minh Đức đã và sẽ tiếp tục có những đóng góp cho việc lập hồ sơ di sản “Tục chơi Bài chòi mùa xuân của người Việt” để trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Vượt qua khó khăn trong nhiều năm qua, các nghệ sĩ tài năng, tâm huyết ở các đoàn tuồng không chuyên trong tỉnh đã kiên trì bám trụ với nghề để “giữ lửa” cho đất tuồng Bình Định. Nhiều nghệ sĩ “chân đất” đã đoạt giải thưởng tại các liên hoan tuồng không chuyên cấp tỉnh và toàn quốc, nhưng họ chưa được Nhà nước phong tặng danh hiệu nào sau chặng đường dài cống hiến. Việc triển khai thực hiện Nghị định số 62/2014 của Chính phủ là cơ hội để tôn vinh các nghệ sĩ tuồng không chuyên qua các danh hiệu. NSƯT Gia Thiện, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Đào Tấn, nhìn nhận: “Căn cứ theo những quy định của Nghị định 62, theo tôi thì hiện có từ 3 - 4 nghệ sĩ tuồng không chuyên trong tỉnh hoàn toàn xứng đáng đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT”.
Từ ngày 7.8, Nghị định số 62/2014 sẽ chính thức có hiệu lực. Khi đó, việc tiến hành lập hồ sơ, quy trình và thủ tục để đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân sẽ được tiến hành qua nhiều bước, nhiều cấp, do đó, rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ các đơn vị có liên quan.
Hoài Thu