Báo cáo sơ bộ nguyên nhân gây bồi lấp cửa biển Tam Quan:
Cần nạo vét thường xuyên để chống bồi lấp
Thời gian qua, luồng lạch ra vào cảng cá Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) thường xuyên bị cát bồi lấp, làm cho nhiều tàu cá của ngư dân mắc cạn, gây thiệt hại không nhỏ. Vì vậy, Dự án (DA) “Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ để khắc phục hiện tượng bồi lấp cửa ra vào các khu neo trú bão của tàu thuyền - áp dụng cho cửa Tam Quan, tỉnh Bình Định” đã được thực hiện, bước đầu đã xác định được nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng này.
DA do Bộ KHCN hỗ trợ kinh phí, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) là đơn vị chủ trì thực hiện; Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS TS) Đỗ Minh Đức (công tác tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên) làm chủ nhiệm.
Vừa qua, Sở KHCN đã tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả bước đầu của DA. Sau hơn 2 năm thực hiện, DA đã phân tích số liệu 50 năm gần đây về sự biến đổi đường bờ biển khu vực cửa Tam Quan. Kết quả phân tích qua nhiều đợt thí nghiệm bẫy trầm tích, chạy mô hình toán học, khảo sát thực tế... cho thấy, nguyên nhân cơ bản gây bồi lấp cửa biển Tam Quan gây khó khăn cho tàu thuyền lưu thông là do cồn cát phía khu vực sát kè lớn dần ra gây nên sự nông cạn dần lên của luồng. Cát đưa vào luồng trước hết là do dòng sóng từ phía Bắc rất mạnh tác động, dẫn đến một lượng cát bị đưa vào luồng tương đối lớn, gây ra một bãi cát rất cao ngay khu vực sát kè. Nguyên nhân khác là một lượng bùn cát từ phía Nam lên đi dọc theo bờ kè vào luồng, song không lớn.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Trương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: Kết quả nghiên cứu của DA phù hợp với thực trạng mà chúng tôi nhận thấy. Địa phương cũng đã tiến hành nạo vét cửa biển thường xuyên và hiện vẫn đang tiếp tục nạo vét để tàu thuyền dễ lưu thông. Tuy nhiên, khó khăn nhất là mùa mưa (tháng 10-11), sóng rất lớn, khó thực hiện nạo vét. Vì vậy, đề nghị đơn vị chủ trì DA có thể nghiên cứu thêm những giải pháp cụ thể, định hình vị trí, hình thức nạo vét, thời gian thực hiện… để địa phương có thể sớm triển khai nhằm chống hiện tượng bồi lấp, đảm bảo luồng lạch cho tàu thuyền lưu thông vào mùa mưa.
Theo nghiên cứu của DA, ước tính sơ bộ, khối lượng bùn cát lấp vào luồng, nếu tính ở độ sâu 5 m, là khoảng 540 ngàn m3. Đến nay lượng cát đã nạo vét khoảng hơn 54.000 m3. Sau khi xác định nguyên nhân, DA bước đầu đã đề xuất một số giải pháp khả thi. PGS TS Đỗ Minh Đức, cho biết: Giải pháp được chia thành các nhóm: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trước mắt, vẫn phải tập trung nạo vét những khu vực bị bồi lấp. Chúng tôi đã nghiên cứu, trình bày với địa phương những khu vực cần nạo vét, địa phương đã và đang thực hiện rất tốt. Khi chưa thể áp dụng các giải pháp căn cơ hơn thì giải pháp này cần được thực hiện thường xuyên. Về trung hạn sẽ giải quyết nguyên nhân lớn nhất gây ra hiện tượng này. Giải pháp tập trung vào việc chỉnh dòng sóng ở hướng Bắc và một phần ở hướng Nam. Chúng tôi cũng định hướng xây dựng những tuyến kè cho dòng chảy phía Bắc vượt qua mũi kè để không gây bồi lấp trong luồng. Về dài hạn, có thể cân nhắc đến phương án mở rộng cảng biển Tam Quan, xây dựng hệ thống cảng biển mở ra về phía biển với hệ thống kè mở ra ở phía Bắc và phía Nam.
Hiện nay, dựa trên các nguyên nhân đã được xác định, DA đã đưa ra rất nhiều giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2014, nhóm thực hiện DA sẽ tiếp tục nghiên cứu để lựa chọn những giải pháp khả thi, phù hợp nhất với điều kiện thực tế của địa phương để giải quyết triệt để tình trạng này.
MAI HỒNG