Hội thảo khoa học “Ngô Vương Quyền với Cổ Loa”
Ngày 2.7, tại Hà Nội, Huyện ủy - Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh phối hợp với Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long và Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thăng Long – Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Ngô Vương Quyền với Cổ Loa”.
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: vov.vn
Tại hội thảo, nhiều đại biểu khẳng định vai trò to lớn của Ngô Quyền trong cuộc kháng chiến đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc, giành lại nền độc lập tự chủ cho đất nước. Các đại biểu cho rằng việc Ngô Quyền xưng Vương, đóng đô, đặt quan chức, triều nghi thời ấy tuy còn đơn giản, nhưng có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn.
Trong tâm thức của người Việt Nam nói chung và người dân Cổ Loa nói riêng luôn hiện hữu hình ảnh Ngô Vương Quyền là một bậc thánh nhân, là điểm hội tụ của sức sống dân tộc. Thông qua các tài liệu sử học, di tích, thần tích, những câu chuyện dân gian được lưu truyền từ đời này sang đời khác, người dân Cổ Loa luôn nhắc đến ông như một bậc quân vương trí lực hơn người, mưu lược, quả cảm, quyết đoán và đầy nhân nghĩa.
Tuy nhiên, hội thảo cũng cho thấy, khối thư tịch cổ viết về Ngô Quyền không nhiều. Dấu tích, chứng tích về Ngô Quyền và vương triều của ông ở Cổ Loa rất ít ỏi, chủ yếu là thần tích hoặc những câu chuyện truyền miệng trong dân gian.
Để có cái nhìn cụ thể về Ngô Vương Quyền, các nhà nghiên cứu kiến nghị cần tiến hành điều tra, thống kê một cách khoa học, chi tiết những nơi thờ Ngô Quyền để xây dựng danh mục tổng thể di tích đã thờ Ngô Quyền. Đồng thời nên sớm có quy hoạch tôn tạo di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia về Cố đô Cổ Loa và vị Tổ trung hưng Ngô Quyền, nên dựng tượng đồng, bia đá Ngô Quyền để góp phần tô thắm thêm lịch sử oai hùng của dân tộc.
Theo VH Báo Điện tử ĐCSVN