Công nhân ngành gỗ sống chật vật
Khu công nghiệp (KCN) Phú Tài (TP Quy Nhơn) có một lực lượng đông đảo công nhân (CN) đang làm việc, tuy nhiên phần lớn trong số họ đang phải sống hết sức chật vật bởi việc ít, lương eo hẹp trong bối cảnh chi phí cho cuộc sống ngày càng cao.
Hết hàng, thất nghiệp
KCN Phú Tài tập trung phần lớn là các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới nên trong năm 2012, một số DN ký được rất ít hoặc không ký được đơn hàng mới nào, do đó CN không có việc làm thường xuyên. Hệ lụy là nhiều DN phá sản, CN mất việc làm. Hiện nay, phần lớn các DN chế biến gỗ đã thực hiện xong hết các đơn hàng nên CN không có việc làm, không có lương, đời sống của họ càng khó khăn hơn.
Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt là DN thường xuyên có được nhiều đơn hàng, đơn hàng trái vụ nên đảm bảo cho CN làm việc thường xuyên. Nhưng nay, Công ty cũng bắt đầu hết đơn hàng, nhiều CN được cho nghỉ việc. Anh Trần Văn Tân, CN lắp ráp của Công ty, cho biết: “Từ tháng 3 về trước hàng còn nhiều, có nhiều hôm làm tăng ca đến 11 giờ đêm mới nghỉ. Từ tháng 4, hết hàng, Công ty bắt đầu cho CN một số bộ phận nghỉ việc. Như tôi đây cũng phải nghỉ làm gần một tuần ở nhà chờ việc”.
Còn anh Hồ Văn Ninh, CN của một DN chế biến gỗ khác trong KCN Phú Tài, cho hay: “Hầu hết CN đều muốn tăng ca để có thêm thu nhập, giờ công ty hết hàng, ngày làm ngày nghỉ. Rảnh rỗi quá sinh tệ, cứ nhậu nhẹt, cà phê liên tục nên tốn tiền lắm. Mấy hôm nay, tôi tranh thủ chạy sang các DN khác xem thử có việc làm ổn định hơn không thì “nhảy”, nhưng tất cả các DN đều chung hoàn cảnh”.
Theo ông Tô Đình Sử, Trưởng phòng Quản lý DN, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, các năm trước do đơn hàng nhiều nên các DN chế biến gỗ phải sản xuất đến tháng 5, tháng 6 mới nghỉ hè. Còn năm nay, do không ký được đơn hàng mới nên mới tháng 3, tháng 4 các DN đã hết hàng cho CN nghỉ hè, chờ đến tháng 7, tháng 8 có hàng mới đi làm lại. Việc nghỉ hè kéo dài gây không ít khó khăn cho CN, vì không có thu nhập; CN nghỉ làm lâu, dẫn đến bỏ việc nên DN khi bước vào vụ sản xuất thì không đủ CN có tay nghề làm việc.
Sống khổ
Lương CN thấp, lại làm việc không đều, nên thu nhập của họ rớt xuống, đời sống vô cùng chật vật.
Tháng nào làm đều công, tăng ca thì tổng thu nhập của anh Trần Văn Tân cùng vợ là Nguyễn Thị Thủy (quê Quảng Nam), CN Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, được 8 triệu đồng. Với số tiền này, vợ chồng anh vừa lo cho đứa con lớn đang học năm thứ 2 Trường ĐH Quy Nhơn, vừa dành một phần gửi về quê để lo đứa nhỏ đang học lớp 11 và mẹ già. Hai vợ chồng thuê phòng trọ rộng 16m2, với giá 300 ngàn đồng/tháng tại KV 1, phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn) để ở. Căn phòng vừa chật chội, vừa cũ kỹ, lại thiếu thốn đủ thứ. Chị Thủy cho biết, trưa 2 vợ chồng ăn cơm tại công ty, còn tiền chợ buổi chiều gói ghém trong 10.000 đồng, đủ mua bó rau, con cá hoặc quả trứng. Sáng, vợ chồng ăn cơm nguội đi làm, tiết kiệm được khoản tiền ăn sáng.
Gần xóm trọ của vợ chồng anh Tân là khu nhà trọ có 3 dãy, với 30 phòng trọ, phần lớn người thuê là gia đình các CN làm gỗ. Ở đây, nhiều nữ công nhân chấp nhận nghỉ việc ở nhà trông con vì lương quá thấp. Chị Phan Thị Hồng Tươi (quê ở Hoài Nhơn), trước làm ở DN Hoàng Trang, nay quyết định nghỉ việc ở nhà vì lương CN của chị chỉ có 2 triệu đồng/tháng, không đủ tiền mua sữa, gửi con nhà trẻ. Hiện nay, cả gia đình 4 người của chị đều trông chờ vào khoản lương tháng 5 triệu đồng của chồng, là nhân viên kỹ thuật ở một công ty gỗ khác. Chị Tươi tâm sự: “Với số tiền 5 triệu đồng, dù tôi đã hết sức tiện tặn vẫn thiếu trước, hụt sau vì phải lo đủ thứ, từ việc thuê nhà trọ, tiền học cho đứa con lớn, tiền sữa cho đứa nhỏ, chi tiêu ăn uống hàng ngày. Cũng may là gạo ăn hàng tháng được nội, ngoại gửi từ quê vào cho”.
Thu nhập thấp, công việc bấp bênh, đời sống hết sức chật vật là tình cảnh hiện nay của CN chế biến gỗ ở các khu, cụm công nghiệp nói chung và KCN Phú Tài nói riêng. Để đảm bảo đời sống, trước mắt, họ trông mong có được việc làm ổn định, thu nhập tương xứng với công sức bỏ ra. Còn nhìn xa hơn, họ ao ước lắm thay những khu ký túc xá, nhà tập thể do các DN xây cho CN, nhà trẻ dành riêng cho con CN để họ yên tâm làm việc. Họ còn mong được tạo điều kiện để có đời sống tinh thần phong phú hơn, giải tỏa mệt nhọc sau những giờ lao động vất vả...
Bài, ảnh: NGUYỄN PHÚC