Công tác dân số ở vùng biển:
Khó kinh phí!
Không thể phủ nhận một thực tế là Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển (gọi tắt là Đề án 52) có đóng góp quan trọng trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tại các xã ven biển ở tỉnh ta. Tuy nhiên, trước thực tế kinh phí bị cắt giảm nghiêm trọng, việc triển khai Đề án gặp không ít khó khăn, trở ngại.
Hiệu quả tích cực
Chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (SKSS-KHHGĐ) đợt I của Đề án 52 năm 2014 được tổ chức tại xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn trong 3 ngày 24, 25, 26.6. Chiến dịch đã diễn ra rất sôi nổi với nhiều hoạt động như tư vấn SKSS, chăm sóc phụ nữ mang thai, chế độ dinh dưỡng cho thai nhi, chế độ nuôi dạy con. Ngoài ra, còn khám phụ khoa, khám thai, khám sàng lọc trước sinh đối với những thai nhi từ 11-14 tuần tuổi nhằm phát hiện các loại bệnh để có hướng điều trị kịp thời.
Sáng 24.6, trong cái nắng oi ả ngày hè, hàng trăm phụ nữ đang ở độ tuổi sinh sản ở 11 thôn trên địa bàn xã đến với chiến dịch. Từng người lần lượt lấy số thứ tự, đợi đến lượt khám, tư vấn. Trạm Y tế xã Hoài Mỹ chừng như quá tải, nhưng Trưởng trạm Nguyễn Đình Lộc vẫn khẳng định: “Dù trời nắng nóng, nhưng chị em đến đông, nhẫn nại chờ đợi nên chúng tôi vẫn thấy hứng khởi, làm việc không biết mệt”.
Không khó để nhận ra sự phấn khởi trên gương mặt của những người phụ nữ xã Hoài Mỹ khi tham gia chiến dịch. Chị Lê Thị Học, ở thôn Mỹ Khánh, cho biết: “Tôi đã mang thai hơn 8 tuần, được đi khám thế này tôi thấy yên tâm nhiều, vì biết được tình trạng sức khỏe của mình và thai nhi”.
Lẫn trong số đông phụ nữ ở Trạm Y tế xã Hoài Mỹ sáng hôm ấy, không khó để phát hiện ra người đàn ông duy nhất - ngư dân Đỗ Thanh Bình ở thôn Lộ Diêu. Anh cho hay: “Tranh thủ đợt nghỉ trăng, tôi chở vợ đi khám thai. Vợ chồng cưới nhau đã hơn năm mới có em bé, vợ lại không biết đi xe máy nên tôi xung phong chở đi ngay”.
“Ở Hoài Mỹ, phần lớn nam giới là ngư dân, nên chiến dịch lần này còn hướng đến mục tiêu giúp cho các ông chồng yên tâm bám biển”, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Hoài Nhơn Lê Thị Hồng Vân chia sẻ.
Đã xế trưa, nhưng Trạm Y tế xã vẫn đông nghẹt người. Trên trán những người phụ nữ lấm tấm mồ hôi. Có người nôn nóng đợi đến lượt mình được khám, có người đến nhưng phải ra về vì số thứ tự trong buổi sáng ngày đầu tiên diễn ra chiến dịch đã hết. Chỉ trong một buổi, nhưng khá đông chị em được khám và chăm sóc. 150 phụ nữ được khám, phát hiện 80 người nhiễm khuẩn đường sinh sản. Đồng thời, 150 người được soi tươi, 150 người được làm phương pháp VIA (xét nghiệm giúp phụ nữ phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung).
Khó triển khai
Dù mang ý nghĩa quan trọng đối với đời sống người dân vùng biển, nhưng việc triển khai Đề án 52 đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó quan trọng nhất là bài toán kinh phí. “Kinh phí bị cắt nhiều, nên Đề án chỉ đảm bảo các hoạt động cơ bản, chứ không thể “làm mới” và mở rộng thêm hoạt động”, một cán bộ của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Hoài Nhơn cho hay.
Theo ông Phạm Xuân Hoàng, Trưởng phòng DS-KHHGĐ thuộc Chi cục DS-KHHGĐ, kinh phí để thực hiện Đề án 52 trong năm 2014 tại 32 xã của TP Quy Nhơn và 4 huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn chỉ là 200 triệu đồng. “Khoản kinh phí hạn hẹp này chỉ đáp ứng cho dịch vụ khám, điều trị phụ khoa. Các hoạt động tuyên truyền bị ảnh hưởng rất nhiều, các đơn vị phải chủ động liệu cơm gắp mắm”, ông Hoàng lo lắng.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ chương trình Đề án 52 của Trung tâm DS-KHHGĐ TP Quy Nhơn, kinh phí của Đề án ít nên cũng triển khai các đợt chiến dịch cung cấp dịch vụ và lồng ghép tuyên truyền, nhưng phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu cuối năm mà thôi. Trong đó, chủ yếu là cung cấp bao cao su miễn phí cho các đối tượng đăng ký sử dụng tại các phường, xã thuộc Đề án. Đồng thời, đảm bảo chỉ tiêu thực hiện cấy tránh thai miễn phí được thực hiện cho các đối tượng đăng ký sử dụng tại 4 xã đảo, bán đảo, xã Phước Mỹ và các đối tượng theo hướng dẫn của Thông tư 20-2013/TTLT-BTC-BYT tại các phường, xã còn lại.
Tại phường Hải Cảng, chiến dịch được triển khai từ ngày 2-4.7. “Khó nhất là kinh phí năm nay rất ít, mỗi đợt chỉ có hơn 500 ngàn đồng, trong khi kinh phí của địa phương cấp cho chiến dịch cũng bị cắt bớt. Vì thế, các hoạt động không phong phú đã đành, diện triển khai chương trình cũng bị thu hẹp lại”, chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ phường Hải Cảng, băn khoăn.
MAI HOÀNG - ÁNH TUYẾT