Tồn tang vật, án phí dân sự:
Vướng vì thiếu quy định
Theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự thì trong quá trình khởi tố, điều tra vụ án hình sự, cơ quan điều tra có quyền tạm giữ các tang vật, tài sản có liên quan đến việc phạm tội và chuyển cho cơ quan thi hành án theo dõi, bảo quản theo quy định. Đối với các tranh chấp dân sự, người nộp đơn khởi kiện vụ, việc dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, kháng cáo phúc thẩm tại cơ quan THADS cùng cấp theo thông báo của tòa án. Việc xử lý tang vật, tài sản tạm giữ trong vụ án hình sự và tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, phúc thẩm trong vụ, việc dân sự được cơ quan THADS thực hiện sau khi có bản án, quyết định của tòa án.
Theo thống kê của Cục THADS tỉnh, hiện nay tang vật, tài sản trong các vụ án hình sự do cơ quan điều tra, tòa án chuyển đến cho cơ quan THADS cấp tỉnh và cấp địa phương như tồn đọng tại các kho của cơ quan THADS rất nhiều năm. Thậm chí có vụ việc, tang vật tồn đọng trên 10 năm nay, nhưng tòa án chưa có bản án, quyết định để cơ quan THADS xử lý theo quy định. Vì vậy, nhiều tài sản đã bị hư hỏng nặng, biến dạng theo thời gian và ngày càng mất giá trị. Ngược lại, các kho thi hành án ngày một tồn nhiều tang vật, tài sản.
Tương tự, tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, kháng cáo phúc thẩm trong các vụ, việc dân sự còn tồn đọng rất nhiều. Có nhiều vụ việc, án phí dân sự đã thu từ năm 2000 vẫn chưa giải quyết được. Theo ước tính, số tiền đang tạm giữ tại kho bạc nhà nước rất lớn, lên đến vài tỉ đồng, tuy nhiên cho đến nay tòa án vẫn chưa có bản án, quyết định để cơ quan THADS xử lý theo quy định.
Pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và kể cả Luật thi hành án dân sự hiện nay vẫn chưa có quy định việc xử lý vấn đề này, đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, dẫn đến việc tồn đọng rất lớn, cơ quan THADS phải theo dõi hàng năm. Vì vậy, cần có quy định việc xử lý tiền, tài sản, tang vật đối với các trường hợp nêu trên để tránh việc hư hỏng, mất mát hoặc những vấn đề khác phát sinh, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan THADS.
CÔNG HOÀNG