Chờ, đợi và hy vọng…
Mới đây, kết quả của một điều tra khảo sát mới nhất về tiền lương và mức sống của công nhân lao động ở nước ta đã được công bố. Kết quả này do Viện Công nhân - Công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện, cho thấy tiền lương và thu nhập của người lao động ở nước ta hiện chưa đủ để đảm bảo cuộc sống ổn định và có tích lũy dự phòng. Điều đáng quan tâm nhất là cho đến nay mức lương tối thiểu chưa đủ cho người lao động đảm bảo mức sống tối thiểu (!).
Cụ thể, theo kết quả điều tra thì hiện nay mức lương tối thiểu chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Kết quả điều tra này được xác định dựa trên cơ sở các số liệu hết sức chi tiết về chuyện ăn, ở, học hành, nuôi con, vui chơi giải trí và cả chuyện mừng đám cưới, hiếu hỷ.... Vì vậy, hầu hết người lao động (con số điều tra là 94%) phải làm thêm giờ, và đa số công nhân đều muốn làm thêm, tăng ca để có thêm thu nhập để cải thiện đời sống. Kết quả điều tra cũng chỉ ra rằng, thu nhập làm thêm cũng chỉ bù đắp được một phần nhu cầu thiết yếu của đời sống mà thôi!
Thông tin kết quả nêu trên không phải là một phát hiện mới mẻ so với kết quả của các cuộc điều tra khảo sát đã tiến hành trong nhiều năm qua. Nó chỉ thêm một lần nữa phản ánh một thực tế “nhãn tiền” là mức lương tối thiểu ở nước ta hiện là quá thấp, và mục tiêu bảo đảm cuộc sống tối thiểu vẫn còn ở phía trước.
Mức lương tối thiểu không đủ sống thì rõ ràng là cần phải được điều chỉnh cho phù hợp để đủ cho người lao động sống tối thiểu. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn do khả năng của nền kinh tế chưa đủ sức đáp ứng nhưng trong nhiều năm qua Chính phủ đã vô cùng nỗ lực thực hiện cải cách tiền lương cho những người làm công ăn lương bằng việc liên tục điều chỉnh quy định mức lương tối thiểu. Điều chỉnh mới nhất là từ đầu năm nay Chính phủ đã điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng (ở các vùng I, II, III, IV) tăng từ 16 - 18%, tương ứng với các mức 2 triệu đồng, 1,78 triệu đồng, 1,55 triệu đồng, 1,4 triệu đồng; đối với khu vực hưởng lương ngân sách, mức điều chỉnh sẽ là 1,150 triệu đồng từ ngày 1.7 tới đây. Tuy nhiên, mức tăng này cũng chỉ đáp ứng được từ 46% đến 56% mức sống tối thiểu tùy theo vùng. Vì theo khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn trong năm 2012, mức sống tối thiểu của người lao động (ở các vùng I, II, III, IV) lần lượt là 3,7 triệu đồng, 3,5 triệu đồng, 3,3 triệu đồng, 2,5 triệu đồng. Như vậy là từ khi chúng ta bắt đầu thực hiện chế độ cải cách tiền lương với quy định mức lương tối thiểu vào năm 2003 cho đến nay chưa bao giờ quy định mức lương tối thiểu đủ sống tối thiểu cho người lao động cả, mà nhiều lắm cũng chỉ đáp ứng vào khoảng 60 - 70% là…”kịch trần”!
Vì vậy, không có gì phải ngạc nhiên khi một cán bộ làm công tác chính sách tiền lương cho người lao động đã “chốt” lại vấn đề này bằng một cách nói đầy hình ảnh: “Tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu vẫn như hình với bóng, chưa bao giờ gặp nhau. Mục tiêu năm 2015 lương tối thiểu đủ sống còn viển vông lắm”. Với nhận định của người làm chính sách như vậy, xem ra câu chuyện “lương tối thiểu đủ sống tối thiểu” có lẽ vẫn là cái “đích” mà người lao động vẫn cứ phải chờ, phải đợi và hy vọng ở… tương lai!
HẢI ÐĂNG