Phía sau chuyện thi cử...
Như vậy là hơn nửa triệu thí sinh trong cả nước đã hoàn thành đợt 1 kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2014. Trong vài ngày tới cũng chừng ấy thí sinh sẽ tiếp tục hoàn thành nốt đợt 2 của kỳ thi năm nay.
Mỗi thí sinh dự thi và cả người thân và gia đình đều gửi gắm rất nhiều hoài bão và hy vọng cho tương lai. Thế nhưng, “học tài thi phận”, rồi đây sẽ có những thí sinh “vượt vũ môn” để bước vào giảng đường đại học, nhưng cũng sẽ có không ít người không được như nguyện vọng. Trước đó, cách nay một tháng, hàng triệu học sinh và ngành giáo dục trong cả nước cũng đã tất bật với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để rồi có tới trên 99% số thí sinh đạt điểm tốt nghiệp. Một kỳ thi dường như không hề mang một giá trị nào về mặt sàng lọc hay gì đó hữu ích, rất tốn kém nhưng chẳng để làm gì là điều cần suy nghĩ về tính hiệu quả và sự cần thiết của nó.
Có lẽ, trên thế giới, ít có quốc gia nào có nhiều sự nhọc nhằn về chuyện thi cử như ở nước ta, nhất là ở mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng. Có thể nói, cứ đến mùa thi là cả xã hội chúng ta, từ các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cũng đều phải tất tả chạy ngược chạy xuôi với kỳ thi để đảm bảo sự an toàn thông suốt cho một sự kiện quan trọng có hàng triệu người tham gia cùng lúc. Chuyện thi cử quan trọng như thế bởi quan niệm cánh cửa trường đại học là bước ngoặt của sự đổi đời, là cái “bệ phóng” tốt nhất để mỗi người lập thân, lập nghiệp đã ăn sâu vào tiềm thức của cả xã hội. Trong suy nghĩ của nhiều người, kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ chẳng có giá trị gì nếu học xong mà không vào được đại học. Vì thế, học sinh học xong phổ thông rồi thì nhất định phải thi vào đại học, chí ít thì cũng vào cao đẳng để rồi tiếp tục liên thông lên đại học. Và kết quả của trào lưu “đại học hóa” này gần đây đã bộc lộ rất rõ mặt bất cập của nó khi rất nhiều cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp và con số này vẫn tiếp tục gia tăng trong thị trường lao động.
Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH mới công bố ngày 1.7 vừa qua, trong quý I năm 2014, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 145,8 ngàn người so với quý 4 năm 2013. Trong đó, nhóm lao động trình độ cao tiếp tục khó khăn khi tìm việc làm. Cụ thể, trong quý đầu năm, có 162,4 ngàn người có trình độ từ đại học trở lên bị thất nghiệp, tăng 4,3 ngàn người so với quý 4 năm ngoái. Ngoài ra, có 79,1 ngàn người có trình độ cao đẳng bị thất nghiệp, tăng 7,5 ngàn người so với quý 4 năm 2013. Còn trong một công bố về tình hình lao động việc làm vào thời điểm đầu năm 2014 ở nước ta, Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội, cho biết “có 21,2% thanh niên độ tuổi 20-24 có trình độ từ đại học trở lên bị thất nghiệp”.
Mùa thi đại học, cao đẳng là mùa của những hy vọng với rất nhiều gia đình có con thi đại học. Thế nhưng với những gì đã diễn ra xung quanh kỳ thi này, nhất là tình trạng cử nhân thất nghiệp, thì có lẽ mùa thi này cũng gợi ra bao điều cần suy nghĩ về phía sau kỳ thi, phía sau cánh cổng trường đại học mà hàng triệu thí sinh đang hướng tới đầy khát khao và hy vọng. Từ những con số nêu trên, điều không thể lưu tâm là liệu sau mỗi mùa thi như thế này thì sẽ còn có thêm bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp tiếp tục bổ sung vào đội quân “cử nhân thất nghiệp” đã được thống kê bằng những “con số giật mình” nêu trên (!).
Có lẽ, đã đến lúc xã hội cần định vị lại quan niệm, không nên xem trường đại học là cánh cổng duy nhất để con em chuẩn bị hành trang bước vào đời. Mỗi người hãy xem xét tới các yếu tố như năng lực bản thân, sở thích cá nhân, nhu cầu và xu hướng phát triển của xã hội, của thị trường lao động… để chọn cho mình một lối đi phù hợp trong việc học tập và chuẩn bị cho nghề nghiệp trong tương lai.
* HẢI ĐĂNG