Về bộ ngẫu tượng Linga - Yoni ở tháp Bánh Ít
Trong văn hóa Champa, Linga tượng trưng cho sinh thực khí của nam (dương), Yoni tượng trưng cho sinh thực khí của nữ (âm), chính là nguồn cội cho mọi sự sinh sôi, nảy nở trong vũ trụ. Ở nhiều đền tháp Champa, cặp ngẫu tượng này còn được đồng nhất với thần Siva (1 trong 3 vị thần tối cao của Ấn Độ giáo mà Champa chịu ảnh hưởng) để trở thành vật thờ chính trong các ngôi tháp. Người Chăm tôn thờ cặp ngẫu tượng này với mong muốn cầu mong sự sinh sôi, phát triển; cuộc sống đủ đầy, no ấm.
Bộ ngẫu tượng Linga - Yoni bằng kim loại quý lấy từ tháp Bánh Ít ở tỉnh Bình Định hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Guimet, TP Paris (Pháp).
Theo tài liệu của Viện Viễn đông Bác cổ và Bảo tàng Nghệ thuật cổ Châu Á - Guimet thì tại Bảo tàng Guimet, TP Paris (Pháp) đang trưng bày một bộ ngẫu tượng Linga - Yoni bằng kim loại quý lấy từ tháp Bánh Ít ở tỉnh Bình Định. Phần đế được tạo tác dạng tròn, chân đế loe rộng và thóp dần về phía trên. Đế được chạm trổ nhiều tầng hoa văn. Lớp dưới cùng là hoa văn những cánh sen đứng xen kẽ, kết hợp với chấm tròn nổi; tiếp đến là hoa văn hình xoắn thừng nối tiếp; tiếp nữa là lớp cánh sen ngửa xếp chồng lớp; và phần trên cùng của đế tiếp giáp với bệ Yoni là lớp hoa văn trang trí hình những bầu vú tròn nối tiếp. Đây chính là lớp hoa văn chuyển tiếp và cũng là bệ đỡ cho sự xuất hiện của hình tượng Yoni và Linga ở ngay phía trên.
Phần Yoni là một bệ tròn lõm, có trổ một đường rãnh thò ra phía ngoài. Mặt ngoài xung quanh bệ tròn của Yoni trang trí hoa văn xoắn thừng nối tiếp. Phần Linga được tạc chính giữa của bệ Yoni và hướng lên phía trên. Linga gồm hai phần, phần dưới là trụ hình bát giác, phần trên là hình tượng Jata Linga có dáng hình trụ tròn, phần lớn bề mặt để trơn; một góc trên thân chạm trổ hoa văn hình búi tóc 7 tầng, dạng khối tròn giật cấp; hai bên tỏa ra các sợi uốn cong chúc xuống. Búi tóc dạng này gọi là Jata - một kiểu búi tóc tiêu biểu của thần Siva. Đầu Jata Linga được bọc lớp đồng màu vàng óng làm điểm nhấn cho một biểu tượng chủ đạo trong toàn bộ khối điêu khắc Linga - Yoni.
Có thể thấy rằng vùng đất Bình Định ngày nay - kinh đô 5 thế kỷ của người Champa xưa, ẩn chứa rất nhiều di sản quý giá mà chưa khám phá hết. Qua đó phần nào còn phản ánh sự thịnh vượng một thời của vương quốc Cham pa trên mảnh đất Bình Định xưa kia.
NGUYỄN VIẾT TUẤN