Người “mắc nợ” quê hương
Lần đầu tôi gặp Võ Ðông Hàn (SN 1971) là năm 2019 trong một chuyến thực tế sáng tác ở TX An Khê, tỉnh Gia Lai, do Chi hội Văn học (Hội VHNT Bình Ðịnh) tổ chức. Khi hỏi ra mới hay, Võ Ðông Hàn vốn là người gốc Phù Cát, Bình Ðịnh.
1. Đông Hàn lên An Khê từ năm 1997 và gắn bó với công việc dạy học cho đến nay. Hiện tại, anh đang là giáo viên toán tại Trường THPT Nguyễn Khuyến, TX An Khê. Trong đêm hội ngộ ở An Khê, khi cao hứng, Võ Đông Hàn đã đọc cho mọi người nghe một sáng tác của anh về nơi “chôn nhau cắt rốn”, bài thơ Ta một đời mắc nợ. Tiếng thơ anh da diết nỗi lòng một người con xa xứ: “Thương lắm ai ơi! Quê mình xứ Nẫu/Ngàn lá tre rơi đỏ tiết nam già/Câu ru hời: Khi chạch đẻ ngọn đa/ Chiếc chõng tre giấc nồng nghe mà sướng/Bánh tráng nhúng cuộn tròn bánh tráng nướng/Mà khen ngon mắm rươm môi/Khi thương nhau thì nhớ đứng nhớ ngồi/Nên vọng phu vẫn ngàn đời ngắm bể/Xứ Nẫu ơi! Sao mà yêu đến thế/Con cá rô trốn dưới dấu chân bò/Khoai lang lùi, hột mít luộc mà lo/Không giấu nổi những nụ cười bẽn lẽn…”.
Nhà thơ Võ Đông Hàn và tập thơ Những điều ở phía sau.
Bài thơ mộc mạc, ắp đầy tình quê, ai nghe cũng đều xúc động. Nhà văn Lê Hoài Lương hôm ấy đã tấm tắc: Bài thơ nhiều cảm xúc! Nếu nuôi dưỡng sáng tác, dễ khi Bình Định lại có thêm một tâm hồn thơ xa xứ tạo được nhiều chú ý.
2. Sau chuyến đi Gia Lai ấy, chúng tôi vẫn kết nối với nhau. Thỉnh thoảng, Võ Đông Hàn lại giới thiệu đến bè bạn những trang viết của mình trên trang cá nhân Facebook. Thêm những tương tác, bình phẩm, khích lệ. Và thơ anh, càng về sau càng đằm hơn, đắm say hơn. Đọc thơ anh, dễ thấy rõ thế mạnh về mặt cảm xúc. Đó cũng là một trong những điểm tiên quyết để thơ “bắt rễ” được với tâm hồn người đọc.
Khi nhắc đến chuyện bén duyên với thơ, Võ Đông Hàn bộc bạch: “Ba mình là người mê thơ và cũng có sáng tác. Mình đến với thơ có lẽ do ảnh hưởng phần nào đó từ ba. Nhưng phải đến năm 2017, mình mới sáng tác, qua thơ, mình tìm thấy sự thăng hoa. Thời gian đầu mình viết, hay nhờ nhà thơ A Ka Thủy đọc, góp ý”.
Năm 2020, Đông Hàn in tập thơ đầu tay Những điều ở phía sau (NXB Hội Nhà văn). 67 bài thơ trong tập sách nhỏ là những chọn lọc kỹ càng sau gần 5 năm đắm say với con chữ. Và như một hiển nhiên, Võ Đông Hàn dành phần nhiều sáng tác của mình về Bình Định.
Xa quê, lập thân miền đất khác nhưng trong anh, hình ảnh quê nhà luôn được ủ ấm. Anh mong ngày trở lại thăm quê, để đứa con xa xứ được chan hòa trong cảnh sắc quê hương: “Ta về Phù Cát sáng nay/Trời xanh vươn sợi mây bay núi Bà/Đồng xanh trải đến bao la/Lúa thì con gái, nõn nà Giêng Hai” (Góc quê). Cũng quê hương Phù Cát, anh cụ thể nỗi nhớ qua dáng hình ba - người đàn ông cần lao trên cánh đồng muối mặn, tất tả xuôi ngược để cho con lớn khôn phương trưởng. Với mạch cảm xúc như thế, anh có những câu thơ xúc động: “Kể về quê bên biển Đề Gi/Mênh mông nắng, đồng như gương phẳng/Bao la gió mồ hôi chát mặn/Muối theo người đến những miền xa/Những nhọc nhằn theo bước chân ba/Vượt dốc Dáng đến Cửu An, Kanat/Đổi muối tươi “hai vun, một gạt”/Cho áo con thơm nắng sân trường” (Nhớ ba ngày Tết).
3. Đông Hàn vẫn nuôi dưỡng trong mình một tình yêu với thơ ca. Anh viết để giải nén những xúc cảm trào dâng, để trải lòng mình với quê hương, bè bạn. Câu chữ anh mộc mạc, dung dị tấm lòng người quê, vừa đủ ấm lên những san sớt. Anh tìm thấy trong thơ nhiều sự chia sẻ và dần dà thơ đã trở thành một nơi để anh trút trải lòng mình. Anh bộc bạch: “Tôi đang hoàn thiện bản thảo thứ hai, viết bằng thể lục bát, xuyên suốt về ba mình. Một người đàn ông xứ Nẫu chân chất, ấm áp, giàu tình thương và luôn nghĩ về con cái”.
Tôi chợt nhớ đến cái đêm ở An Khê mà những anh em văn nghệ ngồi lại với nhau nồng ấm, dành cho nhau những chia sẻ cởi mở và chân thành. Tôi đồng quan điểm với nhà văn Lê Hoài Lương khi ông nói đến một “tín hiệu đáng trông đợi” về thơ Võ Đông Hàn. Khi nhắc nhớ lại chuyện này, người thơ quê gốc Phù Cát chỉ cười hiền, xem đó như một động viên để anh tiếp tục nuôi dưỡng đam mê.
Và hẳn rồi, trong chặng đường anh viết, dáng hình quê hương xứ sở luôn hiện diện trong sáng tác của anh. Có lúc, anh đã bảo rằng mình “mắc nợ”. Nợ những chuyến trở về? Nợ ân tình đất mẹ dưỡng nuôi? Là gì đi nữa thì tình cảm nồng ấm ấy với quê nhà sẽ như là một thứ “chất đốt” để cho thơ Đông Hàn thêm nồng nàn, thăng hoa xúc cảm như lời thơ da diết Ta một đời mắc nợ mà anh đã viết: “Xứ Nẫu ơi! Thương ngày xưa lúa chẻn/Để hạt cơm mắc đẹn những lát khoai/ Nhưng đêm rằm trăng vẫn sáng bờ soi/Con cá cũng vẩy đuôi e thẹn/Giờ xứ người cơm niêu mà thấy nghẹn/Nâng ly bia, thèm Bàu Đá lai rai/Mắt chưa khô nhưng không thể ngắn dài/Xứ Nẫu ơi! Ta một đời mắc nợ”…
VÂN PHI