Nội dung gói trừng phạt tiếp theo của EU nhằm vào Nga
Trang Euractiv ngày 14.7 đưa tin, vòng trừng phạt mới nhất của EU đối với Nga sẽ nhằm vào hoạt động xuất khẩu vàng của Moscow và thắt chặt các lỗ hổng hiện có của các lệnh trừng phạt.
EU dường như không còn xem xét các biện pháp trừng phạt khác đối với năng lượng Nga, trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng do các lệnh trừng phạt Moscow trước đó.
Gói trừng phạt thứ 7 của EU nhằm vào Nga dự kiến sẽ được công bố trong tuần tới.Ảnh: freepik
Nhập khẩu vàng của Nga đã bị Mỹ, Anh, Nhật Bản và Canada cấm. Quyết định này được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức vào tháng 6.
Trong khi xuất khẩu vàng của Nga ước tính trị giá khoảng 15 tỷ USD vào năm 2021, lệnh cấm được các nhà phân tích cho là chủ yếu mang tính biểu tượng, vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây vốn đã đóng cửa các thị trường châu Âu và Mỹ đối với vàng Nga.
Dẫn lời các nhà ngoại giao EU, trang Euractiv cho biết gói trừng phạt thứ 7 của EU cũng sẽ nhằm vào nhiều thực thể và cá nhân Nga được cho là có liên hệ với Điện Kremlin, đồng thời sẽ bổ sung một số hàng hóa vào danh sách hiện có nhằm ngăn chặn hành vi né tránh lệnh trừng phạt.
Gói trừng phạt thứ 7 dự kiến sẽ được công bố trong tuần tới. Ủy ban châu Âu sẽ ban hành tài liệu hướng dẫn về những hàng hóa nào có thể và không thể vận chuyển từ Nga đến khu vực Kaliningrad qua lãnh thổ Litva.
Đáng chú ý, các biện pháp trừng phạt tiếp theo của EU sẽ không nhằm vào năng lượng Nga. Gói trừng phạt thứ 6 bao gồm các lệnh cấm nhập khẩu than và dầu của Nga, nhưng ngoại trừ Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc, những nước nhận dầu từ Nga qua đường ống.
Ukraine và các đồng minh thân cận ở Đông Âu đã yêu cầu EU ngừng nhận khí đốt của Nga. Tuy nhiên, nhiều quốc gia EU phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga như Đức và Hungary đang phải đối mặt với những tổn thất kinh tế nghiêm trọng.
Giá trị của đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm kể từ khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có đối với Nga. Ngày 12.7, đồng euro đã giảm xuống mức gần bằng với đồng USD. Trong khi đó, đồng rúp của Nga mạnh hơn so với trước khi nước này triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Theo Mai Trang (VOV.VN)