Hội nghị sơ kết công tác dân vận 6 tháng đầu năm
(BĐ) - Sáng 15.7, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác dân vận 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương chủ trì Hội nghị.
Tại điểm cầu Bình Định, đồng chí Nguyễn Thị Phong Vũ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đồng chí Phó ban chủ trì hội nghị.
Chuyển biến tích cực
6 tháng đầu năm 2022, công tác dân vận của hệ thống chính trị tiếp tục có chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, kinh tế tập thể, phát triển kinh tế vùng được nhân dân đặc biệt quan tâm. Các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở đã ban hành 440 nghị quyết, 485 chỉ thị, 2.508 chương trình hành động, 3.065 kế hoạch và 14.162 công văn để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, hệ thống dân vận tăng cường đổi mới, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân vận.
Quốc hội đã xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về KT-XH, tài chính, ngân sách, để hỗ trợ kịp thời cho Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. HĐND các cấp giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nghị quyết về phát triển KT-XH của địa phương, ban hành đề án, nghị quyết chuyên đề gắn với tình hình thực tiễn địa phương.
Chính phủ đã tập trung thể chế hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, tại các Kết luận của Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã chủ động, kịp thời nắm tình hình đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; đổi mới hoạt động giám sát. Các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục lan toả trong các lĩnh vực đời sống xã hội.
Bình Định: Chia sẻ kinh nghiệm vận động nhân dân tham gia thực hiện các dự án
Tại Hội nghị, đại biểu các điểm cầu đã chia sẻ những kinh nghiệm, kết quả trong quá trình thực hiện công tác dân vận, thảo luận các giải pháp, có các kiến nghị đề xuất nhằm thực hiện hiệu quả công tác dân vận trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thị Phong Vũ đã có phát biểu về công tác dân vận, vận động nhân dân tham gia thực hiện các dự án đầu tư phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thị Phong Vũ tham gia phát biểu về công tác dân vận, vận động nhân dân tham gia thực hiện các dự án đầu tư phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh tại Hội nghị. Ảnh: N.M
Xác định công tác dân vận, vận động nhân dân thực hiện các dự án đầu tư phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân vận, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU về công tác dân vận tham gia trong quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh; quy chế đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ đảng viên trong tiếp thu ý kiến, kiến nghị của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân trong tham gia góp ý xây dựng đảng, chính quyền. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh cụ thể hóa, nghiêm túc phối hợp, triển khai thực hiện tốt công tác dân vận trong triển khai các chương trình, dự án.
Khi triển khai dự án, không chỉ có cán bộ làm công tác dân vận, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội mà chính quyền, chủ đầu tư, cơ quan nhà nước có liên quan phối hợp thực hiện công tác dân vận ngay từ đầu. Chủ động công khai minh bạch các thông tin nội dung của dự án: về quy hoạch, chủ trương đầu tư, kế hoạch sử dụng đất, phương án thu hồi đất, chính sách bồi thường, tái định cư… cho nhân dân trong vùng dự án biết, tham gia ý kiến và giám sát việc thực hiện. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân vùng dự án hiểu đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của các chương trình, dự án đối với sự phát triển KT-XH, quyền lợi của người dân ở địa phương khi thực hiện dự án, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.
Khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, chính quyền và chủ dự án tổ chức họp dân để công khai về chủ trương, cung cấp đầy đủ thông tin và cơ sở pháp lý, chính sách bồi thường, làm rõ những điểm, những nội dung mà nhân dân còn băn khoăn, thắc mắc. Với phương châm linh hoạt, kiên trì, thận trọng, thông qua những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, lực lượng cốt cán của các đoàn thể ở địa phương, các tổ dân vận, tổ vận động luôn bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những ý kiến, kiến nghị của người dân để phản ánh với cấp ủy, chính quyền đối thoại trực tiếp, giải quyết kịp thời, hợp tình, hợp lý và đúng quy định của pháp luật; phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng cốt cán ở cơ sở trong giải thích để dân hiểu, chấp hành và giám sát việc triển khai thực hiện dự án theo quy định, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân đối với việc triển khai dự án trên địa bàn.
Nhờ làm tốt công tác dân vận, vận động nhân dân thực hiện các dự án đầu tư phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua rất nhiều dự án, công trình trọng điểm triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng, như: Dự án Di dân tái định cư để xây dựng hồ Đồng Mít (xã An Dũng, huyện An Lão), Dự án trục đường ven biển của tỉnh ĐT 639, Dự án Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex - Bình Định… Thông qua công tác dân vận, người dân đã nhận thức họ là chủ thể, trực tiếp hưởng thụ thành quả và đã tích cực hưởng ứng; nhất là tham gia đóng góp ngày công, tiền bạc, hiến đất để xây dựng các công trình dân sinh.
Hội nghị sơ kết công tác dân vận 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: N.M
Đồng chí Nguyễn Thị Phong Vũ cũng chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực hiện công tác dân vận trong quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển KT-XH trên địa bàn và một số bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn.
Dịp này, Ban Dân vận Tỉnh ủy kiến nghị các bộ, ngành Trung ương khi tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân cần phối hợp chặt chẽ với địa phương để có thông tin về kết quả giải quyết và trả lời cho công dân dứt điểm, tránh tình trạng chuyển đơn về địa phương yêu cầu tiếp tục giải quyết; cần có chế tài xử lý nghiêm đối với những trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để đòi hỏi quyền lợi không chính đáng, gây rối an ninh trật tự.
“Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 để tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, sử dụng đất đai đảm bảo hiệu quả, đúng quy định, phù hợp thực tế”, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị.
Nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt, dự báo tình hình nhân dân
Chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Dân vận Trung ương yêu cầu Ban Dân vận các cấp tích cực, chủ động triển khai thực hiện, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các đề án, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy về công tác dân vận.
Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực các Ban Chỉ đạo về công tác dân vận, triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác theo đúng quy chế, kế hoạch công tác đã đề ra; thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp công tác dân vận với các bộ, ban, ngành Trung ương và sở, ngành địa phương.
Tham mưu cấp ủy chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, nhất là công tác nắm tình hình nhân dân, đặc biệt là ở những địa bàn có vấn đề phát sinh phức tạp; thực hiện tốt việc chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, trên cơ sở đó tập hợp, thu hút, phát triển đoàn viên, hội viên, xây dựng tổ chức; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện.
Chủ động nắm tình hình dân tộc, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào theo tôn giáo; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các chính sách dân tộc; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải pháp có hiệu quả nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhất là trong xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước gắn với đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
NGUYỄN MUỘI