Sinh viên làm thêm và những trải nghiệm thú vị
Không chỉ có thu nhập trang trải cho cuộc sống và học tập, làm thêm còn giúp sinh viên bổ sung kiến thức, kỹ năng mềm, tích lũy kinh nghiệm bổ ích cho công việc sau khi ra trường.
Trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm sống
Bắt đầu đi làm thêm từ năm thứ 2, Mai Thị Ý (SV năm 4, khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Quy Nhơn) đã tự trang trải mọi chi phí sinh hoạt hằng ngày mà không cần sự hỗ trợ từ gia đình.
Ý cho biết, trước đây bạn đã từng làm nhiều công việc khác nhau, như phục vụ tại quán ăn, phát tờ rơi; hiện làm ổn định tại một quán cà phê trên đường Trần Nguyên Đán (TP Quy Nhơn). Làm ca 18 - 22 giờ, Ý đảm nhận rất nhiều công việc khác nhau, như: Chạy bàn, pha chế, thu ngân, dọn dẹp… Đã có kinh nghiệm, dù phải làm một mình và phục vụ nhiều kiểu khách hàng khác nhau, Ý vẫn cảm thấy yêu thích môi trường làm việc năng động, được giao tiếp với nhiều người.
Mai Thị Ý làm thêm tại một tiệm cà phê ở TP Quy Nhơn. Ảnh: D.Đ
“Trước đây, tôi khá rụt rè, ít giao tiếp, nhất là với người lạ thì luôn giữ khoảng cách. Tuy nhiên, từ khi đi làm thêm, tôi đã tự tin hơn và học hỏi được nhiều điều; tự rèn kỹ năng giao tiếp, sự kiên nhẫn... Điều này rất có ích cho tôi khi đi làm sau này”, Ý chia sẻ.
Còn Nguyễn Trần Cát Tường (SV năm 2, khoa Giáo dục tiểu học và mầm non, Trường ĐH Quy Nhơn) làm gia sư cho các học sinh tiểu học. “Tôi chủ yếu dạy thêm vào buổi tối, những ngày cuối tuần tăng thêm ca học cho các em để giảm bớt lượng công việc trong tuần. Bố mẹ cũng ủng hộ việc tôi đi dạy thêm, vì muốn con có thêm nhiều kinh nghiệm thực tế”, Tường cho hay.
Cũng theo Tường, khi mới bắt đầu làm gia sư, khó nhất là làm thế nào để các em dễ hiểu, dễ tiếp thu và cách xử lý khi các trò không nghe lời, không làm bài tập… Vượt qua những khó khăn, áp lực như vậy, Tường thấy mình đã trưởng thành hơn rất nhiều.
Thông qua giới thiệu từ bạn bè, Nguyễn Hoàng Hạ My (SV năm 2, khoa Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Quy Nhơn) tìm được cho mình công việc tại một cửa hàng bán mỹ phẩm ở phường Nhơn Phú, với mức lương 18.000 đồng/giờ. Hằng ngày, ngoài việc bán hàng trực tiếp cho khách, My còn có nhiệm vụ chia sẻ ảnh mỹ phẩm lên mạng xã hội, trả lời phản hồi của khách, gọi shipper để giao hàng cho khách. “Công việc khá đơn giản, giúp tôi có thêm thu nhập, lại còn tự học được rất nhiều kỹ năng về giao tiếp ứng xử, kỹ năng bán hàng”, My nói.
Thấu hiểu giá trị của lao động
Theo tìm hiểu, công việc thời vụ và việc làm thêm trong dịp hè tại TP Quy Nhơn rất đa dạng, không quá khó tìm kiếm việc. Tùy theo tính chất công việc, chủ có thể trả công theo giờ cho SV với mức dao động 15.000 - 20.000 đồng/giờ, hoặc 2 - 4 triệu đồng/tháng. Việc làm thời vụ, làm theo giờ tạo cơ hội cho SV có nhiều lựa chọn để có thu nhập, trang trải một phần chi phí sinh hoạt, học tập.
Dương Văn Tài (SV năm 3, ngành Điện, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn), chia sẻ, khi mới bắt đầu vào học tại trường, bạn đã nghĩ ngay tới việc đi làm thêm. Tài đang làm phục vụ tại một quán ăn. “Lương hằng tháng 2,5 triệu đồng, tuy không nhiều nhưng tôi cảm thấy vui, trân quý vì phải khó khăn, vất vả mới kiếm được đồng tiền từ chính sức lao động, mô hôi của mình. Từ đó, biết cách sử dụng tiền tiết kiệm hơn”, Tài tâm sự.
Dương Văn Tài làm nhân viên chạy bàn, đóng gói gia vị cho một quán ăn trên đường Trần Phú, TP Quy Nhơn. Ảnh: D.Đ
Đặng Thị Thu Trang (SV năm 4, khoa Lý luận chính trị - luật và quản lý nhà nước, Trường ĐH Quy Nhơn) cho biết, cách đây gần 2 năm, bạn làm nhân viên chạy bàn tại một nhà hàng trên đường Nguyễn Thị Định (TP Quy Nhơn). Nhờ siêng năng, giao thiệp với khách hàng tốt, không ngại vất vả; mới đây, Trang đã được chủ nhà hàng giao nhiệm vụ quản lý. “Vị trí mới càng giúp tôi học hỏi được nhiều hơn từ thực tế; thấu hiểu hơn về sự hy sinh, vất vả của cha mẹ khi chắt chiu từng đồng cho tôi được ăn học”, Trang chia sẻ.
Đa số SV đi làm thêm đều tự nhận thấy mình trưởng thành hơn sau những va chạm, áp lực; thêm tự tin, giao tiếp tốt. Đi làm thêm từ sớm và nếm trải vất vả còn giúp cho mỗi người trẻ hiểu hơn về giá trị của lao động chân chính.
DUY ĐĂNG