Ðảm bảo nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy
Theo ngành chức năng, hiện nguồn nước cung cấp phục vụ chữa cháy trong các đô thị, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, toàn tỉnh chỉ có 1 khu kinh tế và 4 khu công nghiệp đã được đầu tư xây dựng 100% hệ thống cấp nước PCCC. Tại các đô thị và cụm công nghiệp, việc đầu tư hệ thống cấp nước PCCC còn hạn chế. Trong số 31 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, chỉ có 4 cụm công nghiệp có đầu tư hệ thống cấp nước PCCC. Toàn tỉnh hiện còn 5 đô thị chưa đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước PCCC.
Với các khu dân cư đã được đầu tư hệ thống cấp nước phục vụ chữa cháy, một số trụ đã cũ, mất nắp. Chưa hết, người dân tại các khu dân cư họp chợ, bày bán hàng hóa, để vật liệu, trông giữ xe lấn chiếm khu vực trụ nước, làm ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận nguồn nước.
Đoàn kiểm tra của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ CA) kiểm tra thực trạng cấp nước PCCC tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Ảnh: K.A
Theo đại tá Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh), thời gian qua, việc đầu tư lắp đặt trụ cấp nước chữa cháy ở khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư được quan tâm; góp phần khắc phục khó khăn, đáp ứng nhu cầu nước chữa cháy trong một số tình huống nhất định.
Nguồn nước sử dụng PCCC trên địa bàn tỉnh được lấy từ hai nguồn chính: Nguồn tự nhiên (từ ao, hồ, sông, suối…) và trụ, bể cấp nước chữa cháy (ở các khu công nghiệp, khu đô thị, cơ sở sản xuất, kinh doanh). Trong đó, nguồn nước tự nhiên được coi là hệ thống cung ứng dồi dào trong việc cung cấp nước phục vụ công tác chữa cháy.
“Song, lượng nước này lại lưu trữ theo mùa, chưa kể nhiều điểm không có mặt bằng, bến để phương tiện chữa cháy có thể tiếp cận. Mặt khác, có đến 50% bể nước có thể tích từ 50 m3 trở lên ở các địa phương xe chữa cháy không lấy được nước”, đại tá Long nêu thực trạng.
Được biết, trên địa bàn tỉnh có 597 trụ nước chữa cháy đã được lắp đặt, vận hành; 220 bể nước chữa cháy với thể tích 50 m3 trở lên; 25 bến phục vụ lấy nước chữa cháy, xe chữa cháy có thể tiếp cận được nguồn nước (tất cả đều là bến tự nhiên). Ngoài ra, trên địa bàn các khu công nghiệp, đô thị có hơn 50 ao, hồ có nguồn nước tự nhiên để phục vụ cho công tác chữa cháy.
Nguồn nước chữa cháy không đảm bảo là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cháy lớn. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, khoảng 21,7% số vụ cháy trong quá trình dập lửa bị thiếu nước, ảnh hưởng đến hiệu quả chữa cháy. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, tại địa bàn huyện Tuy Phước đã có 2 vụ thiếu nước trong quá trình chữa cháy.
Nhằm từng bước khắc phục tình trạng thiếu nước chữa cháy, triệt để khai thác và tận dụng có hiệu quả các nguồn nước, nhất là nguồn nước tự nhiên (ao, hồ, sông, suối…) phục vụ chữa cháy, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu tăng cường nguồn nước phục vụ cho công tác PCCC. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC và đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư cho hệ thống cấp nước PCCC; xây dựng, cải tạo bến, bãi, hố thu nước cho xe chữa cháy hoạt động.
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã và đang khảo sát giao thông, nguồn nước PCCC; cập nhật thường xuyên bản đồ giao thông, nguồn nước, trên đó thể hiện các tuyến đường, vị trí các trụ nước và nguồn nước tự nhiên trên địa bàn lên ứng dụng Google Maps để phục vụ hiệu quả công tác tổ chức chữa cháy.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị tổ chức, cá nhân kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống cấp nước chữa cháy tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, ban quản lý các chợ, khu dân cư. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức không tuân thủ quy định, quy chuẩn và tiêu chuẩn về cấp nước PCCC.
“Chúng tôi sẽ xây dựng phương án cụ thể trong việc thẩm định hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cấp nước chữa cháy tại các khu dân cư, khu đô thị mới đang được quy hoạch hình thành trong tương lai”, đại tá Long cho biết.
KIỀU ANH