GIỮ UY TÍN CHO DU LỊCH BÌNH ĐỊNH TRONG BỐI CẢNH “TĂNG TRƯỞNG NÓNG”:
Thân thiện, lành mạnh & đáng tin cậy
Trong bối cảnh du lịch Bình Định đang “tăng trưởng nóng” liên tục vài năm gần đây, phóng viên Báo Bình Định có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Du lịch Trần Văn Thanh về những phương án đảm bảo môi trường du lịch hấp dẫn, thân thiện, lành mạnh và đáng tin cậy.
* Một trong những vấn nạn ở các địa phương thu hút đông khách du lịch là tình trạng nâng giá dịch vụ bất hợp lý. Sở Du lịch cùng các cấp, ngành liên quan đã có những biện pháp nào để hạn chế tình trạng này ở Bình Định, thưa ông?
- Từ đầu năm đến nay, ngành du lịch tỉnh Bình Định đón gần 2,3 triệu lượt khách, tăng 92% so với cùng kỳ năm ngoái; khách quốc tế ước đạt hơn 24.000 lượt, tổng doanh thu du lịch ước đạt hơn 5.715 tỷ đồng, tăng hơn 256% so với cùng kỳ năm 2021.
Để hạn chế tình trạng một số dịch vụ thường bị nâng giá tùy tiện, nhất là lĩnh vực lưu trú, tỉnh Bình Định quy định dịch vụ lưu trú phục vụ khách du lịch là danh mục hàng hóa phải đăng ký giá và kê khai niêm yết giá với cơ quan nhà nước, nhờ vậy giá phòng lưu trú trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Bên cạnh đó, Sở Du lịch đã chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp Đội kiểm tra liên ngành du lịch và các địa phương liên quan thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch phải thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
Hoạt động của khách du lịch thường diễn ra ở không gian rộng, sử dụng nhiều loại hình dịch vụ liên quan đến nhiều ngành nghề, địa phương. Vì vậy, để hạn chế tình trạng nâng giá dịch vụ bất hợp lý, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành liên quan, các địa phương, nhất là những nơi tập trung đông khách du lịch. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Khu du lịch Kỳ Co (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) luôn đón lượng khách lớn vào mỗi dịp hè. Ảnh: LÊ NA
* Theo chúng tôi được biết, hiện giá phòng các cơ sở lưu trú ở TP Quy Nhơn cao hơn Đà Nẵng và Khánh Hòa. Ông bình luận gì về vấn đề này?
- Theo thông tin từ Hiệp hội Du lịch Bình Định, giá phòng ở các cơ sở lưu trú ở Quy Nhơn mùa du lịch hè 2022 cơ bản ổn định, chỉ tăng chừng 5 - 10% so với năm 2019, trong bối cảnh như hiện nay tôi nghĩ như thế là không nhiều. Nhưng ở phân khúc từ 2 sao trở xuống, nếu không phục vụ bữa sáng thì giá cơ bản giữ như năm 2019, thậm chí có khá nhiều cơ sở còn chào giá lưu trú thấp hơn so với mùa du lịch hè 2019 để hút khách.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 390 cơ sở lưu trú từ đạt chuẩn đến 5 sao đã được thẩm định, với hơn 12.000 phòng, tập trung chủ yếu tại TP Quy Nhơn. Ở thời điểm đầu mùa du lịch năm nay, lượng du khách về Quy Nhơn tham quan nghỉ dưỡng đông, phần lớn các cơ sở lưu trú dọc biển và khu vực trung tâm đều kín phòng.
Về chênh lệch giá phòng như anh nói, tôi nghĩ thế này, Đà Nẵng và Khánh Hòa phát triển du lịch trước chúng ta khá lâu, số lượng phòng lưu trú ở Đà Nẵng và Khánh Hòa cao hơn gấp nhiều lần so với Bình Định. Trong khi lượng khách đến Đà Nẵng và Khánh Hòa trong mùa du lịch hè này đều thấp hơn Bình Định (Khánh Hòa khoảng 1,046 triệu lượt khách, Đà Nẵng khoảng 1,3 triệu lượt khách), vì vậy giá phòng ở TP Quy Nhơn có cao hơn một chút so với tại Nha Trang hay Đà Nẵng.
* Hiện có tình trạng một số tài xế xe dịch vụ đưa khách đến nhà hàng, khách sạn, cửa hàng đặc sản… để nhận “hoa hồng” từ chủ cơ sở…
- Việc các nhà hàng, khách sạn hay cửa hàng đặc sản chi “hoa hồng” cho tài xế khi đưa khách đến là có, và đang là thực trạng chung tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có chính sách trích một phần nhỏ lợi nhuận để làm “hoa hồng” cho lái xe khi đưa khách đến mua sắm, ăn uống, nghỉ dưỡng tại cơ sở của mình. Đó cũng là cách thức kinh doanh phổ biến.
Vấn đề ở đây là một số nhà hàng, cửa hàng đặc sản để cạnh tranh thu hút khách đã chi “hoa hồng” cho lái xe cao bất thường, có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, ảnh hưởng đến lợi ích của du khách. Một số lái xe chủ động đòi “hoa hồng”, làm “méo mó” ý nghĩa của việc này.
Đây cũng là vấn đề được đưa ra tại Hội nghị giao ban công tác Thanh tra du lịch của 14 tỉnh, thành phố có sở du lịch riêng, vừa được tổ chức vào tháng 6.2022 tại tỉnh Bình Định. Địa phương nào cũng đang gặp khó khăn trong xử lý vấn đề này. Tuy nhiên, về giải pháp lâu dài phải phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch. Tại buổi làm việc với Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch Bình Định sau Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2022 - 2026, tôi đã đặt vấn đề với Hiệp hội, gợi ý nên thành lập các chi hội chuyên ngành: Khách sạn, vận tải, nhà hàng, cửa hàng đặc sản… Thông qua sinh hoạt và hoạt động của các chi hội này để tuyên truyền, vận động và cùng các cơ quan quản lý nhà nước từng bước khắc phục vấn đề, hướng tới lợi ích bền vững.
* Xin cảm ơn ông!
LÊ NA (thực hiện)