Phù điêu nữ thần Sarasvati: Một bảo vật quốc gia cực kỳ độc đáo
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ công nhận phù điêu nữ thần Sarasvati hiện đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh là bảo vật quốc gia. Và điều tôi muốn nói ngay là các bảo vật quốc gia mà tỉnh Bình Định đang lưu giữ, đặc biệt là phù điêu nữ thần Sarasvati cần được quảng bá nhiều hơn.
Phù điêu nữ thần Sarasvati làm bằng đá sa thạch, có niên đại thế kỷ XII, được phát hiện vào năm 1988 tại phế tích tháp Châu Thành ở phường Nhơn Thành, TX An Nhơn. Phù điêu được trang trí một mặt, mặt sau để trơn.
Hình tượng thể hiện trên phù điêu là một vị nữ thần, được khắc tạc nổi trong một hình vòm cung nhọn. Nữ thần có ba đầu, bốn tay, thân mình uốn vặn trong tư thế múa, ngồi trên tòa sen; trên mỗi cái đầu đều đội mũ chóp nhọn trang trí hoa văn; khuôn mặt thanh tú; đôi tai dài, đeo đôi hoa tai to; bốn cánh tay: Hai tay chính phía trước và hai tay phụ phía sau; hai tay chính chắp lại trước ngực, bàn tay phải trong tư thế bắt ấn, bàn tay trái bị che khuất, đang cầm một vật gì đó; hai tay phụ phía sau, giơ cao gấp khuỷu, hai bàn tay vượt quá hai cái đầu ở phía sau, một tay cầm vòng chuỗi ngắn, một tay cầm búp sen. Bốn cánh tay của nữ thần: Bắp tay, cổ tay đều đeo các vòng trang sức; vòng đeo cổ cũng được tạo hình rất tinh xảo; toàn thân nữ thần để trần, ngực hơi ưỡn, tạo dáng cơ thể cử động nhịp nhàng uyển chuyển; nữ thần mặc một chiếc quần ngắn bó sát người, bên ngoài mặc bộ sampot trang trí với hai lớp hoa văn, tà sampot trang trí viền hình các móc xoắn đối xứng. Nữ thần ngồi trong tư thế kiết già. Phía dưới là một tòa sen.
Phù điêu nữ thần Sarasvati đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định.
Trong Ấn Độ giáo, nữ thần Sarasvati là vị thần của nghệ thuật và văn học. Cho đến hiện nay, ngoài phù điêu nữ thần Sarasvati đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định, chỉ có 3 bức phù điêu thể hiện nữ thần Sarasvati, 1 là phù điêu phát hiện tại phế tích Chánh Lộ, tỉnh Quảng Ngãi, đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, thể hiện thần đang trong tư thế đứng múa, hai bên là hai con ngỗng, miệng ngậm búp sen đang dâng lên cho thần; 2 là phù điêu phát hiện tại làng Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam, thể hiện nữ thần Sarasvati đang ngồi trên lưng con ngỗng; 3 là phù điêu thần Sarasvati phát hiện tại phế tích Xuân Mỹ, tỉnh Bình Định, thể hiện nữ thần đang ngồi trên bệ, phía trước tạc hình con ngỗng. Đặc điểm chung của 3 phù điêu trên là đều thể hiện một đầu và hai tay, ngoài ra, thường tạc cùng với ngỗng Hamsa, những đặc điểm này hoàn toàn khác so với phù điêu nữ thần Sarasvati của Bảo tàng Bình Định.
Có thể thấy rằng, cách thể hiện của phù điêu nữ thần Sarasvati đang trưng bày tại Bảo tàng Bình Định là hình tượng độc nhất vô nhị, gần gũi và thể hiện tính nữ của thần Brahma rõ nét nhất và có hình thức thể hiện độc đáo so với các phù điêu Sarasvati khác.
Ngoài cách thể hiện về tính độc bản, hình thức độc đáo, phù điêu nữ thần Sarasvati đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định còn là một tác phẩm đạt giá trị mỹ thuật, nguyên vẹn nhất, hoàn chỉnh nhất, mang phong cách nghệ thuật riêng biệt. Dựa vào cách tạo hình phù điêu nữ thần với 3 đầu, 4 tay, kết hợp với những vật cầm trong tay mang tính biểu tượng như: Búp sen, hạt chuỗi, bình nước để nhận biết, đây rõ ràng là nữ thần Sarasvati, vợ của thần Brahma (thần Sáng tạo, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo: Brahma, Visnu và Shiva).
Nét đẹp của phù điêu nữ thần Sarasvati của Bảo tàng Bình Định là sự kết hợp hài hòa giữa các động thái tĩnh và động, giữa sự kết hợp nhịp nhàng uyển chuyển cùng những nét oai nghiêm đĩnh đạc của một vị thần. Nữ thần được thể hiện điệu múa trong tư thế tam đoạn trong nghệ thuật tạo hình Ấn Độ. Ngoài ra, vẻ đẹp hình thể của nữ thần, nghệ thuật điêu khắc còn thể hiện sự tinh tế, cầu kỳ trong cách tạo hình của các đồ trang sức, từ mũ đội, vòng đeo tay và cổ, sampot, trong đó mô típ hoa sen làm chủ đạo, đặc biệt là những dải hạt chuỗi kết lại thành một dải cánh sen, tạo những điểm nhấn; kết hợp với những đường nét cân đối hài hòa của cơ thể, tạo nên một vẻ đẹp hoàn mỹ.
Có thể thấy rằng, từ cách thể hiện khuôn mặt, đồ trang sức, y phục mang những đặc trưng cơ bản của phong cách Tháp Mẫm (thế kỷ XII - XIV), nhưng về tạo hình của cơ thể theo kiểu tam đoạn vẫn còn mang ảnh hưởng của phong cách Chánh Lộ (thế kỷ XI). Vì vậy, có thể đoán định phù điêu nữ thần Sarasvati Bảo tàng Bình Định thuộc giai đoạn đầu của phong cách Tháp Mẫm, có niên đại vào thế kỷ XII. Và đây là một tác phẩm thể hiện nữ thần Sarasvati mang phong cách nghệ thuật riêng biệt về mỹ thuật cũng như nghệ thuật tạo hình của nền nghệ thuật điêu khắc Champa ở Bình Định.
HỒ THÙY TRANG