Hiểm nguy từ chó thả rông
Việc người dân nuôi chó nhưng không kiểm soát kỹ, để vật nuôi chạy rông trong khu dân cư, ngoài đường… không phải chuyện hiếm. Tình trạng này rất nguy hiểm, ngoài tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh dại, chó còn gây tai nạn, cắn, gây thương tích cho người đi đường.
Nhắc đến chó thả rông, đã gần 4 tháng trôi qua, nhưng chị N.T.A.N. (SN 1991, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) vẫn chưa hết bàng hoàng khi con gái của chị là bé N.N.A.N (SN 2017) bị chó nhà hàng xóm tấn công gây thương tích. Chị N. cho hay, khi bé chơi trước cổng nhà, vô tình chạm mạnh tay vào đuôi chó, bất ngờ con chó lao vào cắn ở mu bàn tay bé, gây trầy xước khá sâu. Sau khi rửa và băng bó vết thương, được bác sĩ tư vấn, chị đưa bé N. đi tiêm 3 mũi vắc xin phòng bệnh dại.
“Sau khi con bị chó cắn, gia đình tôi đã phản ánh với chủ vật nuôi cần phải xích chó lại, đeo rọ mõm cho chó khi thả ra ngoài đường, vì trong xóm có rất đông trẻ em; nhưng họ không mấy quan tâm”, chị N. bức xúc nói.
Bà H.T.C. chỉ vào vết thương bị chó cắn bắp chân trái ngày 10.7. Ảnh: T.C
Ngày 12.7, bà H.T.C. (SN 1947, ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) vội đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh để tiêm phòng sau khi bị chó cắn ở bắp chân trái. Bà C. kể lại: “Khi tôi đang đi dạo, chó của nhà người thân bất ngờ lao thẳng vào người, cắn vào chân. Mặc dù vết thương đã lành nhưng chân vẫn đau buốt, chưa thể làm việc như bình thường”.
Theo báo cáo của CDC tỉnh, trong giai đoạn 2017 - 2021, có đến 37.774 người bị phơi nhiễm do chó, mèo, chuột… cắn đi tiêm phòng; trong đó, ghi nhận 8 trường hợp tử vong do bệnh dại trên người. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2022, CDC tỉnh ghi nhận 1.903 trường hợp bị phơi nhiễm với bệnh dại đến tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Trong đó, có những trường hợp vết cắn nằm ở vị trí nguy hiểm, nơi tập trung nhiều dây thần kinh, như: Đầu, mặt, cổ…
Bên cạnh nguy cơ gây thương tích cho người, tình trạng chó, mèo thả rông phóng uế bừa bãi cũng khiến người dân ở các khu dân cư “đau đầu”. Trong chất thải của chó, mèo còn chứa nhiều mầm bệnh, trứng giun sán có thể lây truyền qua người, đây cũng là mối đe dọa đối sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.
Chó thả rông vô tư “dạo chơi” trên đường Điện Biên Phủ nối dài (TP Quy Nhơn). Ảnh: T.C
Việc xử phạt người nuôi chó không rọ mõm, không xích khóa được quy định cụ thể tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31.7.2017. Tuy nhiên, ý thức chấp hành của người dân còn rất thấp; việc áp dụng các chế tài xử phạt người vi phạm của các cấp có thẩm quyền vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa hiệu quả. Chính vì thế, rất nhiều chú chó được thả rông, không đeo rọ mõm vô tư “dạo chơi” tại nhiều tuyến đường, công viên ở thành thị lẫn nông thôn; đe dọa đến ATGT và tính mạng, sức khỏe của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ năm 2017 - 2021, theo thống kê, tổng đàn chó, mèo nuôi trong toàn tỉnh có trên 510 nghìn con, nhưng chỉ có 42.044 con được tiêm phòng bệnh dại, chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị. Việc triển khai tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi ở vùng nông thôn gặp không ít khó khăn, một phần vì nhận thức của người nuôi chó, mèo chưa quan tâm đến công tác phòng dại, phần khác vì giá thành vắc xin cao.
Trong khi đó, thời tiết nắng nóng kéo dài nên nguy cơ chó phát bệnh dại là rất cao. Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo người nuôi cần có những biện pháp đảm bảo an toàn, nuôi chó phải xích và nhốt trong cũi, ra đường phải đeo rọ mõm cho chó, người dắt đủ tuổi thành niên…
Thiết nghĩ, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, các cơ quan chức năng có liên quan cần tăng cường công tác xử lý, xử phạt theo quy định đối với những hành vi thả rông chó. Đồng thời, mỗi cá nhân cũng cần nâng cao ý thức đảm bảo an toàn trong việc nuôi, thả chó, mèo.
TRIỀU CHÂU