Tìm lại tên cho đồng đội
Quá tuổi 80, những cựu binh ấy vẫn đau đáu một nỗi niềm, rằng những đồng đội đã nằm xuống tại Nghĩa địa Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) đầu tiên của khu 5 xây dựng tại Quy Nhơn hồi năm 1955 nay vẫn chưa được trở về với người thân. Vậy nên, 4 năm nay, họ âm thầm góp nhặt, thu thập thông tin về đồng đội với niềm hy vọng rồi sẽ có ngày đồng đội của mình được trở về nhà.
Các CCB đưa người thân của liệt sĩ Trần Thanh Đồng từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến nhận mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quy Nhơn vào trưa 2.7.
Đem ký ức trở về
Tôi gặp người kéo cờ trong buổi khánh thành Nghĩa địa QĐNDVN năm ấy, đại tá Hoàng Liên (84 tuổi, ở số 6 Đội Cấn, Quy Nhơn) tại nhà riêng của cụ Hoàng Minh Tùng (82 tuổi, ở số 94 đường Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn). Cụ Liên vừa từ Khánh Hòa trở về sau chuyến đi xác minh nhân thân hai liệt sĩ Trần Thanh Đồng và Lại Xang. Cho tôi xem ảnh trong cuốn kỷ yếu, cụ giới thiệu: “Đây là đại tá Trần Minh Long, quê ở Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, hiện là Phó Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 324 tại Khánh Hòa. Hôm tôi vào trong đó, anh Long có hứa sẽ nhờ người liên lạc, giúp đỡ tìm thân nhân liệt sĩ Đồng và liệt sĩ Xang. Mấy anh cựu chiến binh (CCB) trong đó cũng nhiệt tình giúp đỡ lắm”.
Kể đến đó, cụ Liên ngừng lời, chép miệng: “Nghĩ lại cũng hơi phiền con cái. Hôm tôi đi tàu vào Khánh Hòa, thằng con trai út phải xin nghỉ việc mấy hôm để đi theo ba vì lo cho tôi. Mà đúng là khi về, tôi mệt lả đi mất mấy ngày, hôm nay mới có sức đạp xe xuống nhà anh Tùng đây”.
Ông Phan Như Hải, Quyền Giám đốc Sở LĐ-TB&XH:
Thông tin về Nghĩa địa QĐNDVN do các CCB như cụ Hoàng Minh Tùng, Hoàng Liên và một số CCB khác tuy được công bố muộn, nhưng đã giúp cho chúng tôi biết để tri ân các liệt sĩ. Thời gian qua, những CCB này còn nhiệt tình, tích cực tìm kiếm và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng cũng như người thân của các liệt sĩ. Những nghĩa cử ấy của các cụ thật đáng quý.
Rồi như quên bẵng đi sự hiện diện của tôi, 2 CCB lại chụm đầu, bàn bạc về các thông tin vừa tìm được, để bổ sung vào hồ sơ 177 liệt sĩ hy sinh thời chống Pháp nay đã được đưa về tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quy Nhơn. Cụ Tùng chỉ tay vào bản giấy viết tay sạch sẽ, ghi chú bằng viết chì, nói với ông bạn già: “Tôi mới bổ sung thông tin về quê quán liệt sĩ Lê Bái đây này”. Cụ Tùng nguyên là chiến sĩ của Đại đội 305, Tiểu đoàn 71, thuộc Phòng Tham mưu Liên khu 5, cũng là một trong những người trực tiếp xây dựng Nghĩa địa QĐNDVN khu 5. Nay tuy đã quá tuổi 80, cụ Tùng vẫn giữ tác phong làm việc nghiêm cẩn của một người lính. Mọi tư liệu liên quan đến các liệt sĩ cùng những thông tin tự thu thập được, cụ đều đánh dấu, ghi chú rất rõ ràng.
Năm 2010, khi thông tin về Nghĩa địa QĐNDVN Quân khu 5 được xây dựng tại Quy Nhơn (địa điểm là Sân vận động Quy Nhơn hiện nay) đăng tải lần đầu trên báo Bình Định, trước những ý kiến hồ nghi, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH tìm kiếm thông tin, xác minh. Kết quả, Sở LĐ-TB&XH đã có được danh sách 177 mộ liệt sĩ được quy tập tại nghĩa địa này khi ấy. Tuy nhiên, qua nhiều lần di dời trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, tên của các liệt sĩ đã thất lạc nhiều. Cụ thể, chính quyền chế độ cũ đã di chuyển các ngôi mộ ra khu vực Trại gà (phường Ghềnh Ráng). Sau này, Ty Thương binh-Xã hội tỉnh mới quy tập hài cốt các liệt sĩ về Nghĩa trang Liệt sĩ Quy Nhơn như hiện nay. Hiện ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quy Nhơn có 107 mộ liệt sĩ có tên, 58 mộ chưa biết tên và một số đã bị thất lạc qua những lần di chuyển. Bản danh sách các liệt sĩ được chôn cất lần đầu hiện không còn nên việc xác định danh tính quả như mò kim đáy bể.
Cụ Liên (bên phải) và cụ Tùng đối chiếu, khớp nối thông tin liệt sĩ sau khi cụ Liên từ Khánh Hòa trở về.
Tìm lại tên cho các anh
Với mong muốn tìm lại thân nhân cho các liệt sĩ, các CCB như cụ Trần Bình Định, Hoàng Minh Tùng, Hoàng Liên đã bỏ nhiều công sức để tìm kiếm thông tin về đồng đội. Tháng 11.2013, cụ Tùng trực tiếp gửi thư liên hệ Chương trình “Trở về từ ký ức” của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh nhờ tìm kiếm thông tin 177 liệt sĩ. Anh Đàm Minh Luân, một trong những người trực tiếp thực hiện Chương trình “Trở về từ ký ức” cho biết thêm: “Sau khi nhận được thư của chú Tùng và bản danh sách liệt sĩ kèm theo, chúng tôi đã liên hệ với Cục Chính sách thuộc Tổng cục chính trị, QĐNDVN, nhờ tra cứu. Kết quả, 58 trong số 177 liệt sĩ có thông tin (có 19 người quê Bình Định), mà trong số này, 28 liệt sĩ có thông tin trùng khớp, số khác có sai lệch về thời gian và đơn vị chiến đấu khi hy sinh”. Sau 4 tháng khớp nối, Chương trình “Trở về ký ức” đã báo tin cho 8 gia đình, trong đó có 3 liệt sĩ quê ở Bình Định gồm: liệt sĩ Lê Háo (quê ở Bồng Sơn, Hoài Nhơn), liệt sĩ Nguyễn Yên (Phù Mỹ), và liệt sĩ Phạm Xuân Đấu (An Nhơn). 20 liệt sĩ khác tuy đủ thông tin nhưng lại không còn người thân.
Chương trình “Trở về từ ký ức” số 30 phát sóng trên VTV1 tối 19.6.2014 đưa thông tin về Nghĩa địa QĐNDVN tại Quy Nhơn. Đồng thời, thông tin của các liệt sĩ cũng được đăng tải trên website www.trovetukyuc.vn. Đến nay, nhiều thân nhân của các liệt sĩ đã điện thoại hỏi Chương trình và trực tiếp điện cho cụ Tùng, cụ Liên để liên hệ tìm mộ.
Kể lại chuyện ba người thân của liệt sĩ Lê Bái (quê Quảng Ngãi) tìm đến nhà mình ngay sau hôm Chương trình “Trở về từ ký ức” số 30 phát sóng, cụ Tùng tiếc nuối: “Trưa hôm ấy, chị Lê Thị Bẻo là em gái út của liệt sĩ Lê Bái cùng hai người cháu đi xe đò từ Quảng Ngãi vào gặp tôi để hỏi thăm mộ. Mọi thông tin đều trùng khớp, tiếc là mộ liệt sĩ Lê Bái lại nằm trong số những ngôi mộ chưa biết tên. Tội nghiệp người em gái, bà ấy oà khóc khi không biết chính xác mộ anh trai mình nằm ở đâu”.
Với những CCB này, niềm vui của người thân tìm được mộ người thân là liệt sĩ cũng là niềm vui của họ. Ngày 2.7 vừa qua là một ngày như vậy. Hai người cháu của liệt sĩ Trần Thanh Đồng từ TP Nha Trang (Khánh Hòa) ra, nhờ hai cụ dẫn đến tìm mộ cậu. Anh Trịnh Anh Tiến (54 tuổi, ở phường Phước Tân, TP Nha Trang), cháu rể gọi liệt sĩ Đồng bằng cậu họ, xúc động: “Cậu Đồng chỉ còn một người em gái đã lấy chồng ở xa. Mấy chục năm nay, gia đình chúng tôi đã cố công dò hỏi thông tin nhưng vô vọng. Rồi một ngày, xem chương trình “Trở về từ ký ức”, biết thông tin này, và được giới thiệu với bác Tùng và bác Liên, chúng tôi lập tức ra Quy Nhơn ngay. Theo dự kiến, ngày 7.7, dì tôi sẽ từ TP Hồ Chí Minh ra Quy Nhơn để viếng mộ anh trai”.
Đau đáu nỗi niềm
Sức tàn, lực đã kiệt, nhưng những CCB này vẫn kiên quyết: “Còn sức khỏe, còn minh mẫn được ngày nào, chúng tôi sẽ cố gắng tìm kiếm, kết nối thông tin người thân - liệt sĩ ngày nấy. Biết đâu đó, ngay ở Quy Nhơn này thôi, những người ngày đêm đi tìm thân nhân liệt sĩ ở đâu đó mà không biết rằng có khi các anh ấy đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Quy Nhơn rồi”. Họ ước mong, giá mà mọi thông tin của liệt sĩ được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người thân, gia đình của liệt sĩ biết được.
Trưa hè tháng bảy, gió Lào phả hơi nóng hừng hực, giữa Nghĩa trang liệt sĩ Quy Nhơn, hai người già xương xương, rắn rỏi, dẫn hai người trung niên đi tìm mộ liệt sĩ Đồng. Mệt nhọc tuổi già hình như đi đâu mất. Tấm lòng với đồng đội, hay chính anh linh của những đồng đội nơi đây đã làm nhẹ đôi chân họ.
Bài, ảnh: THU HÀ