XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH LANG AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ:
Cần sự phối hợp tích cực của chính quyền địa phương
Thời gian qua, các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức ra quân tuần tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành lang ATGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Tuy nhiên, để ngăn chặn, xử lý tình trạng này có hiệu quả, rất cần sự chung tay, góp sức từ phía chính quyền địa phương.
Phát hiện nhiều vi phạm
Thời gian gần đây, tình trạng tiểu thương lấn chiếm lòng, lề đường gây ách tắc giao thông diễn ra khá thường xuyên trên tuyến tỉnh lộ 639 đoạn qua địa bàn thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát). Hằng ngày, tầm từ 6 - 8 giờ và 16 - 18 giờ, khoảng 100 m tỉnh lộ 639 trước chợ Cát Tiến bị chiếm dụng để bày bán hàng hóa là quần áo, hoa quả, hải sản…
Anh Nguyễn Văn Kiệt, một tài xế xe tải thường xuyên lưu thông trên tỉnh lộ 639, bức xúc cho biết: “Cứ mỗi lần tôi lái xe qua lại khu vực trước chợ Cát Tiến vào giờ cao điểm là gặp cảnh lấn đường họp chợ, giao thông rất khó khăn. Tài xế mà thiếu tập trung quan sát, sơ sẩy một chút là xảy ra TNGT ngay. Rất mong chính quyền địa phương quan tâm chấn chỉnh sớm”.
Tình trạng lấn đường họp chợ trên tỉnh lộ 639 đoạn trước chợ Cát Tiến (thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát) tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT. Ảnh: N.H
Việc lấn đường họp chợ ở đây không chỉ gây ách tắc giao thông mà còn gây ô nhiễm môi trường do nhiều tiểu thương thiếu ý thức, sau khi buôn bán hải sản xong đổ nước thải, chất thải hải sản ra lòng, lề đường.
Ông Trần Đình Trực, Chủ tịch UBND thị trấn Cát Tiến, thừa nhận tình trạng lấn đường họp chợ trên tuyến tỉnh lộ 639 chưa được ngăn chặn triệt để. Ông Trực lý giải, chợ Cát Tiến có diện tích khá nhỏ hẹp, trong khi lượng người đến mua bán ngày càng đông dẫn đến chợ quá tải. “UBND thị trấn sẽ thường xuyên cử lực lượng chức năng để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành Luật Giao thông đường bộ; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp thường xuyên tái phạm”, ông Trực nói.
Theo Thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT, tình trạng lấn chiếm hành lang các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ để họp chợ, xây dựng biển, bảng quảng cáo, đấu nối giao thông trái phép… thời gian gần đây diễn biến phức tạp, gây mất ATGT.
Ông Nguyễn Quả, Chánh Thanh tra giao thông, cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng thanh tra đã phát hiện, xử lý 10 vụ vi phạm hành lang ATGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; ban hành quyết định xử phạt hành chính với số tiền hơn 114 triệu đồng”.
Trong khi đó, ông Trần Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đường bộ III.4 thuộc Cục Quản lý Đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho hay: Trong 6 tháng đầu năm, qua tuần tra, Chi cục đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 7 vụ, với tổng số tiền phạt hơn 52 triệu đồng. Các hành vi vi phạm phổ biến gồm tự ý tháo dỡ lan can phòng hộ công trình đường bộ để đi lại, kinh doanh; thi công san lấp mặt bằng trong hành lang đường bộ; mở đường nhánh đấu nối vào quốc lộ khi chưa được phép; lấn chiếm hành lang để mua bán, kinh doanh trái phép… Trong đó, các tuyến QL 19, QL 1, QL 1D thường xuyên xảy ra các vụ vi phạm.
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Trưởng Phòng Quản lý cầu đường (thuộc Công ty CP Giao thông thủy bộ Bình Định, đơn vị được ủy thác quản lý, bảo trì các tuyến QL 19, 19B, 19C và các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh), 6 tháng đầu năm nay, đơn vị đã phát hiện, lập biên bản 16 trường hợp vi phạm với các hành vi như: Xây dựng nhà, mái hiên, tường rào, cổng ngõ, trồng trụ điện, san lấp mặt bằng, thi công đường đấu nối không phép... Trong đó các vi phạm phổ biến nhất là trên hành lang các tuyến QL 19B, QL 19 mới, các tỉnh lộ 633, 637, 638, 639, 640…
“Mặc dù đơn vị thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương xử lý các trường hợp vi phạm, nhưng chỉ sau thời gian ngắn lại tái diễn”, ông Sơn cho hay.
Chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng
Theo ông Nguyễn Quả, tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường bộ còn xảy ra nhiều là do một số địa phương chưa thật sự quan tâm, phối hợp với lực lượng chức năng trong tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về chấp hành các quy định của pháp luật.
Một số tổ chức, cá nhân, DN xây dựng thường xuyên tái diễn vi phạm lấn chiếm hành lang đường bộ để kinh doanh, mua bán hàng hóa, san lấp mặt bằng, đấu nối đường trái phép vào các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Sau khi cơ quan chức năng ra quân xử lý, cưỡng chế vi phạm một thời gian ngắn thì tiếp tục tái diễn. Do vậy, để xử lý dứt điểm vấn nạn này, vai trò phối hợp, xử lý vi phạm của chính quyền địa phương là rất quan trọng.
Trong thời gian đến, Thanh tra giao thông tiếp tục phối hợp với Chi cục Quản lý Đường bộ III.4, lực lượng CA và đặc biệt là chính quyền địa phương xây dựng quy chế phối hợp, phân công cụ thể trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị trong việc xử lý vi phạm hành lang ATGT đường bộ.
Theo ông Trần Thái Hòa, trong quý III/2022, Chi cục Quản lý Đường bộ III.4 sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức ra quân cưỡng chế đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm; nhất là tại các điểm nóng về lấn chiếm hành lang ATGT để mua bán, họp chợ. Thường xuyên kiểm tra, xử lý tình trạng san lấp mặt bằng, xây dựng công trình trái phép trên đất hành lang giao thông đường bộ. Kiên quyết xử lý đối với các trường hợp cố tình vi phạm.
NGUYỄN HÂN