Tạo nguồn lực mới từ phát triển đô thị
Lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW - nghị quyết chuyên đề về phát triển đô thị. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Đăng Tuấn cho biết: Sở Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW tham mưu đề xuất UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét.
Ông LÊ ĐĂNG TUẤN
* Nhìn lại công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của tỉnh thời gian qua, đâu là những kết quả nổi bật và thách thức cần tập trung giải quyết để phát triển đô thị đồng bộ, văn minh và hiện đại, thưa ông?
- Phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa và tầm quan trọng đối với phát triển KT-XH. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã khẳng định, phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa là 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng.
Đặc biệt hơn 10 năm trở lại đây, lĩnh vực phát triển đô thị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tựu trung thành 4 nhóm kết quả chính.
Thứ nhất, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến năm 2021 là 46,1%, vượt mục tiêu đề ra, đồng thời trên mức trung bình cả nước (40,4%). Đây là kết quả ấn tượng, bởi năm 2018 đô thị hóa tỉnh Bình Định chỉ đạt 33,6%, thấp hơn trung bình cả nước (35,7%).
Thứ hai, phát triển đô thị có tính đột phá và nhiều chuyển biến tích cực. Nếu năm 2005 Bình Định có 14 đô thị thì đến nay đã có 20 đô thị.
Thứ ba, hạ tầng khung, hạ tầng đầu mối tại các đô thị Quy Nhơn, An Nhơn, Hoài Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước và Phù Cát tiếp tục được quan tâm, từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.
Thứ tư, cơ chế, chính sách về đô thị ngày càng được hoàn thiện hơn; tích lũy kinh nghiệm trong quy hoạch, định hướng phát triển và quản lý đô thị. Quản lý Nhà nước tại các đô thị có những bước phát triển mới; mô hình chính quyền đô thị được triển khai thí điểm.
Thách thức đáng kể nhất chúng ta phải đối mặt là nguồn vốn đầu tư phát triển đô thị hạn chế nên việc đầu tư phát triển hạ tầng khung, hạ tầng đầu mối tại các đô thị chưa đồng bộ. Một số đô thị loại V sau khi được UBND tỉnh phê duyệt đạt tiêu chí phân loại đô thị nhưng chưa quan tâm nhiều trong đầu tư, hoàn thiện dẫn đến phát triển đô thị chưa đồng bộ, đạt chất lượng.
* Năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06- NQ/TW về phát triển đô thị. Nghị quyết có ý nghĩa và định hướng quan trọng như thế nào đối với phát triển của đô thị trong bối cảnh hiện nay?
- Ngày 24.1.2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về đô thị hóa và phát triển đô thị, có ý nghĩa và vai trò quan trọng, tạo nguồn lực mới từ phát triển đô thị nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH của đất nước nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng trong thời gian tới. Nghị quyết đã xác định các chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ đô thị hóa, số lượng đô thị, tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên cho giai đoạn đến năm 2025 và năm 2030.
Đây là những chỉ tiêu quan trọng định hình mô hình phát triển đô thị của hệ thống đô thị trên cả nước cũng như đối với từng đô thị, hướng tới mục tiêu kiểm soát chất lượng đô thị hóa, sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo sự tương xứng phù hợp giữa tốc độ đô thị hóa về dân cư và sử dụng đất dành cho xây dựng đô thị.
Đến năm 2030, hình thành đô thị Quy Nhơn là trung tâm đô thị cấp vùng. Ảnh: DŨNG NHÂN
* Ông có thể cho biết những vấn đề trọng tâm trong dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW mà tỉnh đang xây dựng?
- Quan trọng trong định hướng này là cụ thể hóa về quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật và nhà ở của tỉnh. Mục tiêu đặt ra là đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 52,8%, đến năm 2030 đạt trên 60%. Số lượng đô thị đến năm 2030 là khoảng 21 đô thị; hình thành đô thị Quy Nhơn là trung tâm đô thị cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, GD&ĐT, văn hóa. Vấn đề phát triển kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cũng được xác định cụ thể hơn, khoảng 75% vào năm 2025 và 85% vào năm 2030.
* Đi cùng với đó là những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nào để thực hiện, thưa ông?
- Giải pháp quan trọng là tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững.
Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, phát triển đô thị bền vững; trong đó quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững.
Đặc biệt, ưu tiên xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới. Quy hoạch phát triển các đô thị ven biển gắn với hình thành các trung tâm kinh tế biển mạnh; phát triển các đô thị hiện đại theo mô hình sinh thái, tăng trưởng xanh, thông minh gắn với du lịch bền vững, thích ứng với biển đối khí hậu. Xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, chương trình về phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng và phát triển đô thị thông minh. Cùng với phát triển đô thị, một vấn đề rất quan trọng nữa là kiểm soát, cải tạo chỉnh trang các khu vực đô thị không phù hợp.
Mặt khác, đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị. Đáng chú ý, phát triển kinh tế khu vực đô thị cũng được đặt ra rõ nét hơn; cùng với đó là đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị…
* Xin cảm ơn ông.
MAI HOÀNG (Thực hiện)