Ca khúc về Bình Định: Đi tìm chỗ đứng trong lòng công chúng
Những tác phẩm âm nhạc về quê hương, con người Bình Định được sáng tác hằng năm khá nhiều. Tuy nhiên, số lượng ca khúc được công chúng nhớ đến còn khiêm tốn.
Chưa được giới thiệu, quảng bá nhiều
Nhạc sĩ Nguyễn Thế Tuyên, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Bình Định, chia sẻ, không chỉ riêng ở Bình Định, đây cũng là vấn đề chung của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thực tế là có nhiều ca khúc được hòa âm, phối khí khá bài bản, được ca sĩ biểu diễn, nhưng sau đó “mất hút”. Có rất nhiều nguyên nhân, song có lẽ cốt lõi là việc chọn lọc, phổ biến các ca khúc về quê hương Bình Định trên các kênh truyền thông, trên nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook, YouTube…) để quần chúng có cơ hội tiếp nhận còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức. Hơn nữa, chi phí để hòa âm, phối khí một ca khúc dao động từ 2,5 - 3 triệu đồng, khá cao so với thu nhập của nhiều nhạc sĩ trong tỉnh. Điều rất đáng tiếc là dù có nhiều nhạc sĩ sáng tác những ca khúc hay, nhưng do eo hẹp về kinh tế nên chưa thể tổ chức hòa âm, phối khí, mời ca sĩ thể hiện tác phẩm của mình.
Những ca khúc âm nhạc về quê hương, con người Bình Định cần được quan tâm phổ biến đến công chúng trên nhiều nền tảng, thay vì chỉ tập trung biểu diễn ở các sự kiện, lễ hội trong tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, ca khúc hay về Bình Định không nhiều, những ca khúc đã phổ biến cũng chưa thật sự tốt, nhạt nhòa bản sắc nên chưa thể có chỗ đứng bền vững trong trí nhớ của công chúng. Anh Nguyễn Trọng Dũng, ở huyện Tuy Phước, một thanh niên say mê âm nhạc quê hương, thường hát những ca khúc thuộc dòng nhạc trữ tình, chia sẻ về việc ca khúc Bình Định chưa tạo ấn tượng cho công chúng ở địa phương: Tôi thấy nhiều bài hát viết về Bình Định có ca từ chung chung, khúc thức còn lan man, giai điệu chưa tạo dấu ấn. Chưa kể, tiết tấu, âm điệu còn nhiều rời rạc… Nhiều khi mình muốn hát, muốn phổ biến tác phẩm mới viết về quê hương của mình nhưng rồi cân nhắc mãi, lại hát bài cũ.
Trước đây có khá nhiều ca khúc về Bình Định để lại ấn tượng trong công chúng, như: Khúc ca Bình Định của Vũ Trung, Đi tìm người hát lý thương nhau của Vĩnh An, Quy Nhơn thành phố thi ca của Nguyễn Thụy Kha... Mấy năm gần đây, một vài ca khúc được nhiều người nhớ đến, như: Bình Định hôm nay, Hát mãi bản hùng ca, Vang mãi khúc quân hành mùa xuân… một phần là từ việc được chọn đưa vào biểu diễn tại các chương trình văn nghệ tại hội nghị, lễ hội phục vụ nhiệm vụ chính trị, nên ít nhiều hiện diện trong tâm thức của người dân xứ Nẫu. Một điểm quan trọng là nhiều năm trước, cùng với việc thường xuyên xuất hiện trên sóng phát thanh, truyền hình, các cuộc thi hát thường có nội dung bắt buộc liên quan đến ca khúc Bình Định, thậm chí cả văn nghệ trường học cũng thường có yêu cầu này. Ca khúc về Bình Định nhờ thế có nhiều cơ hội đến với công chúng.
Chia sẻ vấn đề này, nhạc sĩ Thế Tuyên tâm tình: Thời gian tới, tôi mong rằng ngoài sự nỗ lực của nhạc sĩ, Nhà nước sẽ có cơ chế hỗ trợ cho những ca khúc viết về quê hương, con người Bình Định có chất lượng tốt trong khâu hòa âm phối khí, nhằm tạo điều kiện để các tác phẩm âm nhạc lan tỏa xuống địa phương, góp phần đưa phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở ngày một phát triển”.
Sẽ đầu tư để phổ biến ca khúc viết về Bình Định
Từ năm 2020 đến nay, Ban tổ chức Cuộc thi sáng tác ca khúc về Bình Định đã phát động 2 đợt thi sáng tác nhằm tìm kiếm tác phẩm âm nhạc có chất lượng nghệ thuật cao, phục vụ nhiệm vụ chính trị và góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Ban tổ chức Cuộc thi đề cao tiêu chí xét trao giải cho những tác phẩm có nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao; thể loại ca khúc, lời ca trong sáng, ngắn gọn, giàu cảm xúc, dễ hát, dễ nhớ; đặc biệt ưu tiên tác phẩm có giai điệu mang âm hưởng dân ca Bình Định, dân ca Nam Trung Bộ. Điều đó khẳng định, lãnh đạo tỉnh, ngành Văn hóa luôn quan tâm đến tiến trình phát triển văn hóa, nghệ thuật cùng tình hình phát triển KT-XH. Kết quả, đợt 1 có 8 tác phẩm đạt giải khuyến khích; đợt 2 có 11 tác phẩm được chọn trao giải, trong đó có 1 giải nhất, là ca khúc Âm vang miền đất Võ của tác giả Lê Khắc Hùng (Đài PT-TH Bình Định).
Vấn đề đặt ra, làm gì để những ca khúc này đến được với công chúng? Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: Ban tổ chức Cuộc thi sáng tác ca khúc về Bình Định (đợt 2) sẽ tiến hành trao giải thưởng cho các tác giả có tác phẩm đạt giải trong tháng 8.2022. Sau đó, đơn vị sẽ chọn lọc, xây dựng tuyển tập những ca khúc về Bình Định, tham mưu UBND tỉnh xuất bản. Đồng thời, Sở tiến hành hòa ấm phối khí, ghi âm và gửi đến các trung tâm VH-TT&TT, các sở, ngành trong tỉnh để phổ cập đến đông đảo nhân dân nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị, hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương, cơ sở. Từ đó, tạo sức lan tỏa các ca khúc quê hương đến công chúng yêu âm nhạc.
“Ngoài những tác phẩm đạt giải trong Cuộc thi sáng tác ca khúc về Bình Định, tôi cũng mong muốn các tác giả, nhạc sĩ trong, ngoài tỉnh tiếp tục sáng tác, phổ biến những ca khúc mới mang đậm bản sắc quê hương, hồn cốt và tính cách của người dân Bình Định đến đông đảo công chúng yêu âm nhạc hơn nữa. Đó cũng là cách giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, con người xứ Nẫu thân thương đến với người dân cả nước và bạn bè quốc tế”, ông Chánh gửi gắm.
TRỌNG LỢI