Hoài Nhơn: Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Vụ Hè Thu 2022, TX Hoài Nhơn tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao (bắp, mè, đậu phụng…) để đa dạng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng diện tích.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế TX Hoài Nhơn, vụ Hè Thu 2022, thị xã chuyển đổi 446,9 ha đất lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn, chủ yếu ở các xã: Hoài Châu, Hoài Sơn, Hoài Châu Bắc, Hoài Phú và phường Hoài Hảo. Cụ thể, có 191,9 ha đậu phụng; 98,4 ha bắp; cỏ chăn nuôi 31 ha; mè 8,2 ha; đậu đỗ 4,4 ha và 113 ha rau các loại. Đặc biệt, đến nay Hoài Nhơn đã có hơn 1.600 ha chuyên canh cây bắp cả 3 vụ/năm.
Cán bộ khuyến nông kiểm tra cây mè trên đất chuyển đổi ở phường Hoài Hảo. Ảnh: TTKN tỉnh
Để khuyến khích nông dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống bắp mới vào sản xuất, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, tháng 3.2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) thị xã đã triển khai mô hình “Trồng thâm canh cây bắp trên đất chuyển đổi”.
Mô hình triển khai từ tháng 3 - 7, quy mô 2 ha/29 hộ ở thôn Thành Sơn Tây, xã Hoài Châu tham gia; sử dụng giống bắp MK 668 canh tác theo quy trình trồng thâm canh và thực hiện phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM. Các hộ dân được hướng dẫn làm đất, bón vôi, sản xuất phân hữu cơ bằng nguyên liệu phân chuồng tại chỗ ủ với chế phẩm Trichoderma. Diện tích bắp này được ưu tiên phòng ngừa sâu bệnh bằng thuốc sinh học, chỉ sử dụng hóa chất diệt trừ sâu bệnh nằm trong danh mục cho phép và chỉ khi thật sự cần thiết. Qua 5 tháng trồng và chăm sóc, bắp đạt năng suất 71,1 tạ/ha, lãi hơn 24 triệu đồng/ha.
Đầu tháng 4.2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục hỗ trợ TX Hoài Nhơn thực hiện mô hình “Trồng thâm canh cây mè trên đất chuyển đổi” với diện tích 2 ha/29 hộ ở khu phố Hội Phú, phường Hoài Hảo. Giống mè được chọn là mè V6, có nguồn gốc từ Nhật Bản do Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu khảo nghiệm, chọn lọc.
Theo ông Đặng Bình, Phó Giám đốc Trung tâm DVNN TX Hoài Nhơn, mè V6 canh tác trong vụ Hè Thu có thời gian sinh trưởng 75 ngày, rất phù hợp với cơ cấu 3 vụ/năm. Mè V6 có khả năng thích ứng cao với điều kiện khô hạn, cây cao trung bình 1,5 m, lá to và xanh, khi thâm canh đúng quy trình kỹ thuật năng suất đạt 10 tạ/ha, lãi hơn 28 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Thạnh, người tham gia mô hình trồng mè V6, cho biết: Trồng mè cần nhiều chi phí hơn trồng lúa, chủ yếu nằm phần phân bón. Nhưng bù lại trên cùng chân đất thì lợi nhuận của trồng mè cao hơn lúa khoảng 270 nghìn đồng/sào, ngoài ra còn tiết kiệm được nước tưới. Nếu thâm canh theo hướng hữu cơ, bền vững, chủ động sản xuất phân bón hữu cơ từ các chế phẩm sinh học thì mức lãi có thể nhiều hơn.
Tại xã Hoài Sơn, mô hình “Trồng thâm canh cây bắp sinh khối” cũng đem lại kết quả khá tốt. Theo đó, 48 nông hộ ở thôn An Hội Bắc liên kết với Liên hiệp HTX Tinh dầu bạc hà Tây Bắc, tỉnh Gia Lai sản xuất 5 ha bắp sinh khối, giống bắp lai đơn F1 NK7328, với mục đích nhân rộng mô hình để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, tạo nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi ổn định. Kết quả cho thấy, cây bắp sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, thân cây to, lá xanh, trái đều. Năng suất bình quân đạt 54 - 60 tấn/ha, nông dân có lãi hơn 23,5 triệu đồng/ha.
Ông Phan Đình Vũ, người tham gia thực hiện mô hình, chia sẻ: Tôi liên kết trồng bắp sinh khối ở diện tích chỉ sản xuất lúa được vụ Đông Xuân. Trước đây, đến vụ Hè Thu tôi thường bỏ hoang đất do thiếu nước tưới. Nay với 2 sào bắp sinh khối tôi thu được hơn 5,6 tấn sản phẩm; với giá bao tiêu 800 đồng/kg, tôi thu được gần 4,5 triệu đồng. Trồng bắp sinh khối có cái được là Trang trại bò sữa Vinamilk tại tỉnh Quảng Ngãi sẽ bao tiêu toàn bộ theo hợp đồng nên bà con yên tâm.
Bà Trương Thị Thúy Ức, Phó trưởng Phòng Kinh tế TX Hoài Nhơn, cho hay: “Các loại cây trồng chuyển đổi cho thu nhập bình quân từ 20 - 30 triệu đồng/ha/vụ. Nhìn chung, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng như trên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước đó, giảm áp lực nước tưới trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán diễn ra gay gắt. Điều đó cho thấy chủ trương, chính sách về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là đúng đắn và nhận được sự đồng tình tham gia từ nông dân”.
ĐÌNH PHƯƠNG