Hồ Hóc Mít xuống cấp, không đảm bảo nước tưới
Hồ Hóc Mít (thuộc xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ) được xây dựng, đưa vào sử dụng năm 2006. Hồ có diện tích lưu vực 1,14 km2 và dung tích chứa 315.000 m3 nước; cung cấp nước tưới cho gần 50 ha đất nông nghiệp tại các thôn Trung Thứ, Trung Bình, Trung Hậu (xã Mỹ Chánh Tây).
Lòng hồ Hóc Mít bị bồi lấp, lượng nước tích trữ ít, không đảm bảo cung cấp nước tưới. Ảnh: V.L
Ông Nguyễn Văn Mười, ở thôn Trung Thứ, cho biết: Trước khi có hồ Hóc Mít, người dân nơi đây làm ruộng chỉ trông vào nguồn nước trời nên năng suất thấp, gặp nhiều khó khăn. Sau khi có hồ, nguồn nước tưới dồi dào, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng ớt, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Thế nhưng, qua 16 năm sử dụng, một số hạng mục tại hồ Hóc Mít đã và đang xuống cấp. Trong đó, lòng hồ bị bồi lấp, ngày một cạn dần, khiến lượng nước giảm đáng kể, gây thiếu hụt nguồn nước tưới. Người dân địa phương chỉ sản xuất được 1 vụ/năm thì hết nước tưới. Ngoài ra, công trình hạ lưu sau tiêu năng tràn bị mưa lũ làm xói lở, hư hỏng; nguy cơ sụp mái bảo vệ, dẫn đến rò rỉ nước đập tràn của hồ. Liên quan việc này, ông Nguyễn Bá Tiến, Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi II (thuộc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định; đơn vị quản lý, khai thác hồ Hóc Mít), cho biết: Lòng hồ có bồi lấp, đơn vị đã báo cáo, xin cấp trên cho chủ trương nạo vét nhưng chưa được phê duyệt. Riêng phía đuôi tràn bị xói lở nặng vào đợt lũ năm 2021, Xí nghiệp đã khảo sát, lên thiết kế xây dựng khắc phục với dự kiến tổng kinh phí khoảng 450 triệu đồng.
“Hạng mục này cũng đang chờ Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định phê duyệt. Nếu có thể, Xí nghiệp sẽ sửa chữa và hoàn thành trước mùa mưa lũ năm 2022 nhằm giảm thiểu thiệt hại”, ông Tiến thông tin thêm.
Còn theo ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, Công ty mới tiếp quản hồ Hóc Mít vài năm gần đây. Tới đây sẽ từng bước nâng cấp, sửa chữa hồ để đảm bảo cung cấp nước tưới, phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.
V.LỰC