Báo cháy sớm để hạn chế thiệt hại
Việc phát hiện và báo cháy sớm sẽ giúp lực lượng chức năng chủ động tổ chức chữa cháy. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cơ sở, doanh nghiệp và cá nhân đã chậm báo cháy, vô tình gây cháy lan, cháy lớn và thiệt hại nặng nề.
Sự cố cháy xảy ra vào ngày 3.7 tại Công ty TNHH Hoàng Phát (Khu công nghiệp Phú Tài, TP Quy Nhơn) được phát hiện sớm, nhưng thiệt hại hết sức nặng nề bởi sự chủ quan của công ty. Cụ thể, ông H., đại diện công ty này, cho biết: “Vì nghĩ đội PCCC cơ sở của mình có thể chữa cháy được nên chúng tôi không điện thoại báo cho Cảnh sát PCCC&CNCH, đến khoảng 7 phút sau, khi đám cháy bùng lớn, chúng tôi mới gọi”. Hậu quả là 2.600 m2 nhà xưởng và văn phòng làm việc cùng nhiều hàng hóa của công ty bị thiêu rụi.
Hiện trường vụ cháy tại Công ty TNHH Hoàng Phát (Khu công nghiệp Phú Tài) vào ngày 3.7. Ảnh: K.A
Hay như vụ cháy tại Công ty CP Phát triển Nguyễn Hoàng (phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn), nhân viên phát hiện cháy vào lúc 17 giờ 15 phút ngày 12.12.2021, cùng nhau ra sức chữa cháy nhưng không thông tin đến lực lượng chuyên nghiệp. Hơn 30 phút sau, ngọn lửa bùng lớn vượt quá tầm kiểm soát, cơ sở mới gọi tổng đài khẩn cấp 114 để báo cháy. Khi lực lượng PCCC chuyên nghiệp đến nơi, cơ sở đã bị ngọn lửa bao trùm; thiệt hại từ vụ cháy lên tới 3,4 tỷ đồng.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh), có nhiều nguyên nhân gây cháy lan, cháy lớn, nhưng tựu trung đều xuất phát từ sự thiếu ý thức và kiến thức PCCC của một bộ phận người đứng đầu cơ sở, người lao động và người dân. Qua điều tra nguyên nhân các vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây, có một số điểm chung là lực lượng PCCC tại chỗ hoạt động không hiệu quả, báo cháy chậm, để thời gian cháy tự do kéo dài.
“Thời gian vàng để chữa cháy là trong 5 phút đầu. Bởi cháy trong thời gian dài, nhiệt độ và khói khí độc sẽ làm tốc độ cháy lan nhanh hơn, từ đó gây khó cho việc chữa cháy và thoát nạn của người bên trong đám cháy. Vì vậy, người dân ngay khi phát hiện ra cháy, song song với nỗ lực tổ chức cứu chữa ban đầu, cần phải thông tin báo cháy cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp để được hỗ trợ kịp thời”, đại tá Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, phân tích.
Thực tế cho thấy, các vụ cháy lớn thường xảy ra tại các kho chứa, cơ sở sản xuất gỗ, viên nén sinh học, may mặc hoặc các cơ sở sản xuất kinh doanh có diện tích lớn nhưng không có các giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan. Vì vậy, các DN, cơ sở kinh doanh cần quan tâm làm tốt hơn nữa công tác trực bảo vệ tại cơ sở, nhất là ban đêm, để phát hiện sớm và xử lý kịp thời những tình huống cháy nổ ngay khi vừa mới phát sinh. Chủ động trang bị hệ thống báo cháy tự động và thường xuyên kiểm tra để đảm bảo việc vận hành tốt; có giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan. Bên cạnh đó, phải sắp xếp hàng hóa đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC.
Đối với các hộ dân, cần kiểm tra lại hệ thống điện, khu vực đun nấu, thờ cúng và các nguồn sinh lửa sinh nhiệt khác trong gia đình. Đồng thời cũng phải chú ý đến giải pháp thoát nạn khi không may xảy ra cháy nổ.
“Gọi điện cho tổng đài 114 là miễn phí, việc chữa cháy cũng hoàn toàn miễn phí. Vì vậy, ngoài chủ động phòng ngừa các nguy cơ xảy ra cháy, mỗi người dân khi phát hiện sự cố cháy cần ngay lập tức báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp để đảm bảo tính mạng, tài sản”, đại tá Long khuyến cáo.
KIỀU ANH