Thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản:
Khôi phục hệ sinh thái biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Với sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD, một tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam), toàn tỉnh thành lập được một số tổ cộng đồng hoạt động theo Luật Thủy sản 2017. Hoạt động theo phương thức “đồng quản lý”, các tổ đã góp phần tích cực khôi phục hệ sinh thái biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Trong giai đoạn 2021 - 2023, MCD triển khai Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật Thủy sản 2017 với các sáng kiến từ Trung ương tới địa phương”, được Quỹ Rockefeller (Rockefeller Philanthropy Advisors - RPA) tài trợ thông qua Ocean 5 (Mạng lưới các nhà tài trợ quốc tế cam kết bảo vệ 5 đại dương thế giới).
Các chuyên gia MCD, ngành thủy sản tỉnh chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp cho các tổ chức cộng đồng trong thực hiện phương thức đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: THU DỊU
Dự án hỗ trợ mở rộng thực hành đồng quản lý trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại 3 tỉnh: Bình Định, Quảng Nam và Khánh Hòa; cung cấp các bài học kinh nghiệm thực tế và tăng cường năng lực cho các đối tác tham gia chương trình. Mục tiêu của Dự án là xây dựng được các tổ cộng đồng ở địa phương tham gia vào bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nâng cao năng lực quản lý cho các tổ cộng đồng địa phương trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ vịnh Quy Nhơn. Các tổ chức cộng đồng hoạt động theo phương thức “đồng quản lý” cùng với chính quyền địa phương tham gia tích cực trong khôi phục, bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái biển.
Tại Bình Định, MCD phối hợp với Chi cục Thủy sản, chính quyền các cấp ở TP Quy Nhơn triển khai Dự án tại 2 xã Nhơn Lý, Nhơn Hải và phường Ghềnh Ráng; hỗ trợ thành lập được 3 tổ cộng đồng trong quản lý nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản 2017 và được giao quyền đồng quản lý khu vực biển với diện tích 26 ha.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, trong giai đoạn 2019 - 2021, với sự hỗ trợ của Quỹ môi trường toàn cầu, tỉnh Bình Định triển khai Dự án Vịnh Quy Nhơn và đã thành lập được 4 tổ cộng đồng, được giao quyền quản lý khu vực biển với tổng diện tích 46 ha, trong đó: Bãi Dứa (Nhơn Lý) hơn 8 ha; Hòn Khô nhỏ (Nhơn Hải) hơn 12 ha; Hòn Nhàn (Ghềnh Ráng) 5,8 ha; Bãi Trước (Nhơn Châu) hơn 20 ha.
Theo bà Thân Thị Hiền, Phó Giám đốc MCD, đến nay Dự án đã đi được nửa chặng đường với nhiều kết quả khả quan. Trong quá trình triển khai thực hiện, MCD phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy sản, các chi cục thủy sản và chính quyền địa phương cũng như cộng đồng triển khai các giải pháp, gồm: Hỗ trợ xây dựng, rà soát, cập nhật kế hoạch, phương án quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản 2017 tại các địa phương của vùng dự án với trọng tâm chính là giám sát số loài thủy sản và độ che phủ rạn san hô, cũng như hiệu quả các phương án sinh kế được thí điểm; hỗ trợ quá trình tham vấn xây dựng và hoàn thiện Dự thảo chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030 và hướng dẫn kỹ thuật thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển mạng lưới các chuyên gia tư vấn và cộng tác viên hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở khu vực duyên hải miền Trung. Các giải pháp cụ thể mà MCD phối hợp nhằm thực hiện thành công phương thức “đồng quản lý” cho các tổ cộng đồng ở các địa phương.
Theo bà Nguyễn Hải Bình, chuyên gia tư vấn Hiệp hội Thủy sản Bình Định, Dự án có nhiều đóng góp tích cực, hỗ trợ nâng cao năng lực các tổ cộng đồng trong đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm, truyền thông và sử dụng các ứng dụng công nghệ, tiến bộ KHKT. Tại Bình Định, các tổ cộng đồng bước đầu đi vào ổn định, xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động; uy tín của tổ cộng đồng dần tăng lên đối với chính quyền và người dân. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục nỗ lực và hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, liên kết với DN và các bên tham gia huy động nguồn lực đảm bảo tính bền vững khi Dự án kết thúc.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho hay: Đồng quản lý là phương thức quản lý được quy định tại Luật Thủy sản 2017. Quá trình phối hợp với MCD triển khai Dự án cho thấy, việc đưa các nội dung từ chính sách vào cuộc sống đòi hỏi sự tham gia và cam kết của nhiều bên, đặc biệt là của chính quyền và người dân địa phương. Riêng tại Bình Định, Dự án đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực, đặc biệt là sự thay đổi trong nhận thức của cộng đồng cư dân ven biển.
THU DỊU