Thâm canh cây bắp trên đất chuyển đổi: Tăng thu nhập, hạn chế sâu bệnh
Ở TX Hoài Nhơn, trong sản xuất Hè Thu tại các xã phía bắc trên chân ruộng cao, đất cát pha thịt nhẹ, nhiều nông hộ đã chuyển sang trồng bắp. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đầu tư thâm canh cao nên năng suất đạt khá. Cây bắp vì thế được xem là một loại cây trồng cạn giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong điều kiện sản xuất cây lúa thiếu nước tưới, mang lại thu nhập tốt.
Để khuyến khích nông dân tiếp tục chuyển đổi cây trồng, năm 2022 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX Hoài Nhơn triển khai mô hình “Thâm canh cây bắp trên đất chuyển đổi” với quy mô 2 ha cho 29 hộ dân tại xã Hoài Châu. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 50% chi phí giống, vật tư, sử dụng giống bắp MK668.
Mô hình “Thâm canh cây bắp trên đất chuyển đổi” với quy mô 2 ha/29 hộ dân tại xã Hoài Châu. Ảnh: T.N
Các hộ dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, chủ động sản xuất phân bón hữu cơ từ phân chuồng ủ hoai với chế phẩm Trichoderma; giảm tối đa việc sử dụng phân vô cơ, không bón thúc urê và sử dụng chất kích thích tăng trưởng; ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, hạn chế sử dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật. Chống sâu bệnh chủ yếu bằng việc kết hợp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, chú trọng chọn hạt giống tốt, chịu hạn, kháng sâu bệnh xử lý đất trước khi gieo trồng. Nhờ đó, sau 95 - 100 ngày xuống giống, cây bắp sinh trưởng, phát triển khá tốt, cây cao từ 1,8 - 2,4 m, đường kính gốc to, khỏe, sinh trưởng nhanh và vươn đều tạo bộ tán lá cân đối ngay từ đầu. Năng suất bình quân đạt 71,1 tạ/ha (cao hơn 8,26 tạ/ha so với ruộng bắp ngoài mô hình). Lợi nhuận ước đạt 4,07 triệu đồng/ha, cao hơn so với ngoài mô hình 1,07 triệu đồng/ha.
Theo các hộ dân tham gia mô hình, nhờ áp dụng quy trình thâm canh cây bắp trên đất chuyển đổi kết hợp với các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM nên hiệu quả phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây bắp tốt hơn, đảm bảo đạt năng suất cao hơn so với ruộng bắp canh tác theo lối cũ, đặc biệt chất lượng sản phẩm sản xuất theo hướng an toàn cũng cao và được ưa chuộng hơn.
Ông Đỗ Xuân Mai, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX Hoài Nhơn, cho biết: Từ thực tế mô hình, nhiều nông dân trong vùng đã đến tham quan học tập, tìm hiểu để áp dụng. Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với các hội đoàn thể, xã, phường mở nhiều lớp tập huấn phổ biến rộng rãi và chuyển giao quy trình kỹ thuật thâm canh này.
THÀNH NGUYÊN