Những gương mặt người…
Gương mặt loài Homo Sapiens (NXB Hội Nhà văn) là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Trần Như Luận vừa ra mắt bạn đọc tháng 5.2022.
Tác phẩm đi theo dòng hồi ức của nhân vật Po Martin, mở ra một không gian, thời gian với nhiều chiều kích của một giai đoạn lịch sử khắc nghiệt diễn ra ở đất nước Congo thuộc châu Phi, từ năm 1940 đến năm 1964. Qua tác phẩm, chúng ta thấy bên cạnh cái gọi là sự phát triển của văn minh nhân loại là những toan tính, sắp đặt quyền lực, áp bức chiến tranh để thỏa mãn những dục vọng, ham muốn của con người. Nhiều trang viết của nhà văn đã bóc trần sự áp bức, bóc lột dã man của chủ nghĩa thực dân Bỉ đối với người dân thuộc địa Congo. Như trong những dòng hồi ký của Po Martin, đã viết: “Đồng loại Homo Sapiens quá lạm dụng vũ lực và khí giới. Khi nắm quyền hành và vũ khí trong tay, chúng trở nên quá lộng hành. Chúng coi đồng loại chẳng ra gì. Muốn cướp là cướp, muốn bắt là bắt, muốn bắn bỏ là bắn bỏ”.
Nhà văn Trần Như Luận sáng tác đa dạng các thể loại thơ, tản văn, truyện ngắn. Đặc biệt, tiểu thuyết là mảng sáng tác nổi trội làm nên tên tuổi của anh. Trước Gương mặt loài Homo Sapiens, anh từng in 2 tập tiểu thuyết: Thầy Gotama và 8.000 đệ tử (2014); Ðời vớ vẩn (2019).
Nhà văn đã cho ta thấy đa diện khuôn mặt của những con người vốn chung giống loài, vốn được khởi tạo từ một loài động vật bậc cao tinh khôn, rất gần với loài người - loài Homo Sapiens. Cái tính “hoang dã” ẩn khuất đâu đó của loài người là một trong những căn nguyên cho cái ác lên ngôi. Đáng chú ý, là cái ác đó được trang hoàng trong cái vỏ bọc gọi là “văn minh”. Con người là một loài linh trưởng bậc cao, có nhận thức và biết cách tích lũy kiến thức. Nhưng ở loài này có một bộ phận bạo tàn, dã man sẵn sàng đọa đày đồng loại, giết chóc để thỏa mãn những toan tính ích kỷ, nhu cầu cá nhân. Nhưng cũng rất may mắn, vẫn còn đó những con người sống, chiến đấu vì lẽ công bình, vẫn có những con người hiền hòa, yêu chuộng hòa bình như những người trong các bộ tộc Congo. Họ khước từ mọi toan tính hiểm độc, họ đối đãi nhau bằng tình yêu, sự trong sáng và chân thành.
Tiểu thuyết cho thấy muôn mặt của loài người, tạo nhiều ngẫm gợi. Tác phẩm không đơn thuần là tiểu thuyết lịch sử, mà nó còn giá trị phê phán khi ta đặt một nhịp cầu liên tưởng đến xã hội con người hiện tại. Và còn nhiều hơn thế, những gởi gắm sâu xa của nhà văn từ phía những ảnh hình, tình huống, lời thoại… để con người thấy được cốt lõi vấn đề mà biết lánh xa cái ác, tìm đến lương tri, cái thiện.
VÂN PHI