Vân Canh bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội văn hóa dân gian
Huyện Vân Canh là một trong những địa phương ở tỉnh ta giữ gìn và phát huy khá tốt nhiều lễ hội văn hóa dân gian Chăm H’roi, Bana trong đời sống.
Theo ông Lê Thanh Nhơn, Trưởng Phòng VH&TT huyện Vân Canh, trong đời sống tâm linh của đồng bào Chăm H’roi và Bana, dấu ấn của tín ngưỡng, lễ hội dân gian nguyên thủy, như: Lễ cầu mưa, ăn heo ký, cúng thần làng, mừng về nhà mới, cầu mùa, mừng lúa mới hay ăn cốm mới… còn khá đậm. Điểm chung của các lễ hội, nghi thức dân gian này là tạo sự gần gũi, tăng tình đoàn kết cộng đồng với nhau.
Quang cảnh lễ cúng mừng về nhà mới của người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Người Chăm H’roi quan niệm, thần linh cũng tình cảm như con người, cũng vui buồn, giận ghét, yêu thương. Nếu họ khấn cầu lễ vật bằng tấm lòng thành sẽ nhận sự giúp đỡ, che chở tương ứng. Lễ cúng mừng về nhà mới không nằm ngoài mục đích và ý nghĩa đó. Vừa qua, trong phần thi lễ hội dân gian tại Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh năm 2022 được tổ chức ở huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh trình diễn nghi thức lễ cúng về nhà mới của người Chăm H’roi rất độc đáo.
Tình huống giả định: Năm nay vợ, chồng anh Đinh Văn Lịch và chị Phan Thị Hồng Vân cố gắng tích góp được ít tiền và xây dựng được ngôi nhà mới nên làm lễ cúng mừng về nhà mới. Gia đình đã thông báo tới làng, mời già làng, thầy cúng đến khấn vái. Khi tiếng cồng chiêng vang lên, là lúc người có uy tín và người dân nhanh chóng có mặt hỗ trợ gia đình. Thầy cúng và già làng uy tín, đại diện cho gia chủ dâng các lễ vật lên thần linh, gồm: Một con gà trống biểu hiện cho sự bền bỉ, dẻo dai trước cuộc sống; hai ché rượu cần cầu cho mưa thuận gió hòa, cây lúa tốt tươi, công việc làm ăn thuận lợi, mọi người đều khỏe mạnh, thắt chặt tình đoàn kết giữa mọi người với nhau...
Trong quan niệm hài hòa lợi ích với tự nhiên, tùy theo sự no đủ, thuận lợi trong công việc làm ăn mỗi năm mà con người phải khấn cầu, coi đó như một cách thức kết nối với thế giới tâm linh. Công việc khó khăn, thời tiết trở ngại thì mọi người làm lễ cầu mùa. Khi có cái ăn no đủ, sung túc thì làm lễ mừng lúa mới. Già làng Lê Văn Ru, ở khu phố Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh, giải thích thêm: Nhờ tiếp cận với nhiều tiến bộ KHKT, thông tin, bây giờ đồng bào không còn giải thích hiện tượng theo kiểu lạc hậu như xa xưa nữa. Nhưng niềm tin, tín ngưỡng thì sâu sắc hơn bởi các lễ hội, nghi thức dân gian tốt đẹp hầu hết đều giúp đồng bào sống tốt, đoàn kết hơn, tôn trọng tự nhiên, thân thiện với môi trường.
Đồng bào Bana ở Vân Canh cũng có quan niệm, niềm tin tín ngưỡng tương tự đồng bào Chăm H’roi, trong đó lễ cúng mừng lúa mới, mừng cơm mới là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng thu hút đông đảo sự tham gia của toàn thể dân làng.
Canh Liên là xã vùng cao có đông người Bana sinh sống. Ông Đinh Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Liên, cho biết: Lễ ăn cốm mới của người Bana bắt đầu từ tháng 12 dương lịch năm cũ đến hết tháng 3 của năm mới. Bà con cùng đàn hát, đánh cồng, đánh chiêng. Khi nghi lễ cúng kết thúc cũng là lúc bắt đầu cuộc vui. Người Bana ở các làng trong trang phục truyền thống không phân biệt già trẻ, lớn bé, ngồi quây quần bên nhau cùng ăn cơm, thưởng thức rượu cần làm từ hạt lúa mới và chúc nhau những điều tốt lành.
Lễ ăn cốm mới của người Bana là nghi thức mang ý nghĩa tạ ơn trời đất, thần lúa, ông bà tổ tiên đã cho một mùa lúa bội thu và cầu mong một mùa mới lúa thóc đầy nhà; đánh giá lại kết quả một năm lao động; dịp để mọi người dân trong làng gặp gỡ, chia vui, chúc nhau sức khỏe và cùng hướng đến một năm làm ăn hiệu quả, sung túc hơn. Đây còn được gọi là mùa “ăn năm uống tháng”, mùa sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mùa giao lưu văn hóa, đồng thời là dịp để các chàng trai, cô gái tìm bạn đời.
Việc cùng nhau giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống đã tăng cường tinh thần đoàn kết, tạo thêm động lực cho cộng đồng các dân tộc. Ông Lê Thanh Nhơn cho biết thêm: Thời gian qua, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của người Chăm H’roi, Bana, trong đó có các lễ hội dân gian truyền thống. Đây là giá trị văn hóa tinh thần rất bổ ích, quý báu của cộng đồng dân tộc thiểu số. Để tiếp tục gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa đó, ngoài tham gia các chương trình văn hóa, văn nghệ do tỉnh tổ chức; huyện còn thường xuyên kết nối với huyện giáp ranh Đồng Xuân (Phú Yên) và các địa phương lân cận, tạo điều kiện cho bà con được giao lưu, học hỏi, quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống đến với công chúng và các dân tộc anh em khác…
TRỌNG LỢI