Nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới; ngăn ngừa lạm thu trong trường học
LTS: Tại kỳ họp thứ 6 (diễn ra từ ngày 18 - 20.7), HĐND tỉnh khóa XIII đã thông qua nhiều nghị quyết có ý nghĩa quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh trước mắt cũng như lâu dài. Báo Bình Định trân trọng giới thiệu 3 nghị quyết liên quan đến thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và quy định các khoản thu trong cơ sở giáo dục.
1. Nghị quyết ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021 - 2025
Trong giai đoạn 2010 - 2021, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp; đến nay, toàn tỉnh đã có 5/11 đơn vị cấp huyện (TX Hoài Nhơn, An Nhơn, TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và Phù Cát) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) (đạt tỷ lệ 45,4%); có 83/113 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 73,4%); 7/83 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 8,4%).
NQ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 là cơ sở để các địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH đồng bộ, khả thi.
- Trong ảnh: Chăm sóc bưởi tại một trang trại trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Hoài Ân. Ảnh: N. HÂN
Thực hiện chủ trương của Trung ương và của tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, HĐND tỉnh nhất trí thông qua Nghị quyết (NQ) ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 85% số xã đạt chuẩn NTM (tương đương 96/113 xã); trong đó, có 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tương đương 39/96 xã đạt chuẩn) và 10% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tương đương 10/96 xã đạt chuẩn); không còn xã dưới 15 tiêu chí. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Bên cạnh đó, phấn đấu có 7/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (giai đoạn 2016 - 2020 có 5 đơn vị cấp huyện đã đạt chuẩn NTM); giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục có thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM, gồm: Tây Sơn, Phù Mỹ và huyện Tuy Phước đạt chuẩn huyện NTM nâng cao. Phấn đấu có 60% số thôn, làng thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực vùng núi được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do UBND tỉnh quy định.
Tổng vốn huy động để thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến khoảng 27.191 tỷ đồng. Cơ cấu vốn cụ thể gồm: Nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương bố trí trực tiếp 425 tỷ đồng (chiếm 1,6%); vốn ngân sách địa phương hơn 1.230 tỷ đồng (chiếm 4,5%); vốn lồng ghép từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 2021 - 2030) và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2021 - 2025), các chương trình, dự án đầu tư công thực hiện trên địa bàn nông thôn hỗ trợ hoàn thành các tiêu chí NTM khoảng 4.302 tỷ đồng (chiếm 15,8%); vốn tín dụng khoảng 20.000 tỷ đồng (chiếm 73,6%); vốn DN đầu tư hơn 517 tỷ đồng (chiếm 1,9%); vốn huy động đóng góp của người dân và cộng đồng khoảng 715 tỷ đồng (chiếm 2,6%).
● Ông PHAN THANH GIẢN, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM:
Phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhằm cải thiện để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh được giữ vững.
Việc thông qua NQ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thúc đẩy bình đẳng giới. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng KT-XH nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
● Ông VÕ DUY TÍN, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân:
Tạo cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch khả thi
NQ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 là cơ sở để địa phương xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn tới. Qua đó, huyện sẽ xác định cụ thể các nội dung công việc, thời gian, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan trong việc triển khai thực hiện chương trình đảm bảo đồng bộ, khả thi.
Cùng với đó, huyện cũng sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn bền vững; thực hiện xây dựng NTM nâng cao và nông thôn mới cấp thôn thuộc xã đặc biệt khó khăn. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, phát huy tinh thần làm chủ của các tầng lớp nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH tại địa phương.
N. HÂN
2. Nghị quyết Quy định Chính sách hỗ trợ xã xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025
Qua thời gian triển khai thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung nguồn lực, hỗ trợ, hướng dẫn các xã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện hoàn thành 13 tiêu chí theo quy định tại Quyết định số 2112/QĐ-UBND ngày 22.6.2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Bộ tiêu chí, chỉ tiêu xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018 - 2020.
Tuy nhiên, đến nay nhiều xã vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nhiều tiêu chí khó thực hiện để đảm bảo đạt chuẩn theo quy định, như: Các tiêu chí về giao thông, môi trường, chất lượng môi trường sống (hạ tầng đường giao thông đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp và có các hạng mục cần thiết theo quy định); tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại, chất thải rắn nguy hại trên địa bàn xã được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tập trung; xây dựng mô hình khu dân cư kiểu mẫu…
Một góc xã NTM Phước Hưng (huyện Tuy Phước). Ảnh: N. QUÝ
Theo Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy thực hiện NQ Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, NQ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, mục tiêu đến năm 2025 có 85% số xã đạt tiêu chí NTM; 36 xã đạt tiêu chí NTM nâng cao; 5 xã đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đạt được mục tiêu trên là xây dựng chính sách đối với các xã xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Do vậy, việc HĐND tỉnh thông qua NQ quy định chính sách hỗ trợ xã xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tăng cường thêm nguồn lực hỗ trợ các xã thực hiện hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Theo NQ vừa được thông qua, nội dung hỗ trợ cụ thể gồm: Hỗ trợ kinh phí điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm xã hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư mới theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Nguồn vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện, tối đa không quá 75 triệu đồng/xã.
Đối với xã thực hiện NTM nâng cao, ngân sách tỉnh hỗ trợ 5 tỷ đồng/xã để thực hiện. Trong đó, hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư phát triển 4,5 tỷ đồng; nguồn vốn sự nghiệp 500 triệu đồng.
Đối với xã sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, tiếp tục đăng ký xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu được ngân sách tỉnh hỗ trợ 2 tỷ đồng/xã để hoàn thành các tiêu chí theo quy định. Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển hỗ trợ 1,5 tỷ đồng; nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ 500 triệu đồng.
● Ông ĐÀO VĂN HÙNG, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT:
Tạo “cú hích” để các địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng NTM
Với quan điểm nhất quán là xây dựng NTM “chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”, việc HĐND tỉnh thông qua NQ Quy định chính sách hỗ trợ xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 sẽ là “cú hích”, tạo động lực để các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình. Từ đó, định hình nên diện mạo mới cho khu vực nông thôn theo hướng đô thị, chỉnh trang, xây dựng cảnh quan nông thôn phù hợp với điều kiện đặc thù, nhu cầu phát triển KT-XH, gắn xây dựng NTM với quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn, từng bước tiệm cận điều kiện về hạ tầng và dịch vụ của đô thị văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp, bình yên, giàu bản sắc văn hóa truyền thống.
● Ông NGUYỄN NGỌC XUÂN, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tuy Phước:
Chính sách kịp thời để có nhiều xã NTM nâng cao, kiểu mẫu
Đây là chính sách rất kịp thời, khuyến khích các địa phương đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng NTM, để ngày càng có nhiều xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Để NQ sớm đi vào cuộc sống, UBND huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình, phấn đấu đến năm 2025, huyện Tuy Phước hoàn thành huyện NTM nâng cao; trong đó có 6 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
UBND huyện đang tập trung kiện toàn Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên, từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể; chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch chi tiết, thời gian thực hiện, lộ trình hoàn thành từng tiêu chí. Bên cạnh đó, huyện sẽ tăng cường huy động các nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn; huy động sự tham gia đóng góp tự nguyện của người dân, DN để thực hiện chương trình.
N. QUÝ
3. Nghị quyết Quy định mức thu các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh
NQ này áp dụng đối với nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập, trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập, trường mầm non, lớp mầm non độc lập công lập (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục mầm non); trường tiểu học, trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học công lập (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông); trung tâm GDTX tỉnh; trung tâm GDNN - GDTX có dạy chương trình giáo dục phổ thông; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập có Đề án sử dụng tài sản công để cho thuê, liên doanh, liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì thực hiện mức thu theo đề án được duyệt. Không áp dụng thu để thuê khoán người nấu ăn cho học sinh (HS) trong các cơ sở giáo dục công lập đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo quy định hiện hành.
Giờ học của cô và trò Trường Mầm non Quy Nhơn. Ảnh: HỒNG PHÚC
Mức thu các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục bao gồm: Nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non vào ngày thứ Bảy và trong thời gian nghỉ hè, với mức tối đa 30.000 đồng/trẻ/ngày; dịch vụ bán trú (không bao gồm tiền ăn) với mức thu tối đa 150 nghìn đồng/HS/tháng.
Đối với việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường, ở bậc THCS mức thu tối đa là 7.000 đồng/HS/tiết và 8.000 đồng/HS/tiết đối với bậc THPT. Mức hỗ trợ hoạt động dạy nghề phổ thông (hỗ trợ tiền mua phôi liệu dạy nghề) bậc THCS có mức thu tối đa 20.000 đồng/HS/tháng, bậc THPT 30.000 đồng/HS/tháng. Mức thu thi tốt nghiệp nghề phổ thông tối đa 60.000 đồng/HS/đợt. Dạy trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh và dạy ngoại ngữ (môn tự chọn) và làm quen Tin học cho HS lớp 1, 2, mức thu tối đa 10.000 đồng/HS/giờ (hoặc tiết).
Nguyên tắc thực hiện là mức thu các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục có quy định mức thu tối đa phải thực hiện thỏa thuận giữa nhà trường với cha mẹ HS; khoản thu và mức thu khi thực hiện không vượt quá mức thu tối đa theo quy định. Việc thỏa thuận thực hiện bằng văn bản. Căn cứ tình hình thực tế, cơ sở giáo dục và ban đại diện cha mẹ HS xem xét miễn, giảm các khoản thu dịch vụ đối với các trường hợp: Con liệt sĩ, gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, bị tàn tật, khuyết tật (trừ cơ sở giáo dục trẻ em khuyết tật), mồ côi cả cha lẫn mẹ, con mồ côi cha hoặc mẹ gặp khó khăn về kinh tế.
Thời gian thực hiện của Quy định mức thu các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ năm học 2022 - 2023.
● Cô NGUYỄN THỊ LINH, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quy Nhơn:
Tạo cơ sở pháp lý cho nhà trường có căn cứ thực hiện
Nhiều năm qua, các khoản thu của trường đều dựa trên việc thỏa thuận với các phụ huynh. Trên cơ sở thống nhất với phụ huynh (có biên bản), trường tiến hành thu các mức thu theo thỏa thuận; tùy vào từng năm, từng điều kiện mức thu sẽ khác nhau. Sau đó, trường sẽ xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ, đảm bảo nguyên tắc thu để bù chi.
NQ này được ban hành là cơ sở pháp lý cho các nhà trường có căn cứ thực hiện. Tùy vào từng điều kiện, hoàn cảnh mà các trường có thể áp dụng các khoản thu phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh theo quy định.
● Ông NGUYỄN TRỌNG DŨNG, phụ huynh HS ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước:
Quy định cần thiết, tránh tình trạng lạm thu tại các trường học
Khi được biết HĐND tỉnh vừa thông qua NQ Quy định mức thu các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh, tôi thấy đây là việc rất cần thiết. Bởi, một khi đã có khoản thu theo mức quy định thống nhất, phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm, không sợ tình trạng lạm thu. HS vừa được hưởng những dịch vụ hỗ trợ giáo dục theo yêu cầu mà lại không băn khoăn về mức thu cao hay thấp.
HỒNG PHÚC