Giảm nghèo bền vững, phát triển vùng dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
LTS: Báo Bình Định tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc 3 nghị quyết vừa được HĐND tỉnh khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.
1. Nghị quyết ban hành Chương trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025 hướng tới mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Đồng thời, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hỗ trợ xây dựng nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo nhằm tạo sinh kế, việc làm cho hộ nghèo. - Trong ảnh: Hộ nghèo ở huyện Phù Cát được hỗ trợ vay vốn đầu tư vào chăn nuôi. Ảnh: N.M
Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh giảm bình quân chung từ 1,5 - 2%/năm (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) giảm 3 - 4%/năm). Riêng tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo An Lão giảm bình quân trên 5%/năm.
Đến năm 2025, 100% huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạtầng thiết yếu. Chương trình sẽ hỗ trợ xây dựng nhân rộng trên 100 mô hình, dự án giảm nghèo nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.
Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng tập trung cho các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin)…
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Chương trình hơn 861,5 tỷ đồng.
* Bà LÊ THỊ THU HẰNG, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão:
Tạo động lực để An Lão thoát nghèo vào năm 2025
Giai đoạn 2021 - 2025, An Lão là huyện nghèo duy nhất của Bình Định với tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao (36,13%). Cùng với Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28.7.2021 của Quốc hội và Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ cùng phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có tác động lớn đến huyện An Lão.
Là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm tham mưu về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão sẽ dựa trên cơ sở Nghị quyết và các văn bản liên quan, tham mưu UBND huyện xây dựng các kế hoạch giảm nghèo bền vững, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 6% trở lên (theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ huyện).
Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả dự án Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH theo hướng liên kết vùng, ưu tiên đầu tư cơ sở hạtầng thiết yếu; triển khai dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; đào tạo nghề nghiệp gắn với hỗ trợ tạo việc làm bền vững…
Tin chắc rằng cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn 1: 2021 - 2025), huyện An Lão sẽ thoát tình trạng nghèo vào năm 2025.
* Ông TRẦN HỮU HIỆU, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định:
Góp sức cho dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững
Là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng tổ chức giáo dục nghề nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, chuyển giao KHKT cho người lao động, chúng tôi rất quan tâm đến dự án về Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững được ban hành tại Nghị quyết.
Nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết, Trung tâm sẽ chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với các phòng LĐ-TB&XH, các hội, đoàn thể trong tỉnh tổ chức các lớp đào tạo nghề, xây dựng các mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ, đào tạo các nghề theo nhu cầu của người học và phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH từng địa phương, đơn vị. Gắn công tác đào tạo nghề với việc xây dựng các tổ hợp sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại chỗ; mời các DN cùng tham gia vào việc xây dựng khung chương trình đào tạo và trực tiếp hỗ trợ thực hành nghề, góp phần giải quyết việc làm sau đào tạo.
Bên cạnh đó, Trung tâm tăng cường truyền thông các chính sách về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hướng đến lao động ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS.
2. Nghị quyết ban hành Chương trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: 2021 - 2025) trên địa bàn tỉnh
Chương trình có mục tiêu tổng quát: Khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bào DTTS và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước.
Đồng thời, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng; phát triển toàn diện giáo dục, y tế, văn hóa; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước...
Đồng bào DTTS xã Canh Liên, huyện Vân Canh. Ảnh: M.LÂM
Theo đó, đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 3 - 4%. Khoảng 10 xã và 4 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Giữ vững 100% xã có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã; trên 95% đường ở thôn được bê tông hóa, cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; trên 99% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; trên 96% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Giải quyết cơ bản công tác định canh, định cư. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí trên 100% số hộ DTTS đang cư trú tại các nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ DTTS nghèo; phấn đấu xóa nhà tạm, dột nát cho 100% số hộ DTTS nghèo. Chương trình bao gồm 10 dự án thành phần. Dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 hơn 1.145 tỷ đồng.
* Ông NGUYỄN XUÂN VIỆT, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh:
Kỳ vọng từ những dự án, tiểu dự án căn cơ
Là lãnh đạo của huyện miền núi có đông đồng bào DTTS, bản thân cũng là một người DTTS, tôi rất hoan nghênh, phấn khởi khi Nghị quyết chính thức được thông qua. Nghị quyết sẽ có tác động toàn diện lên đời sống của đồng bào DTTS khi xây dựng nhiều dự án, tiểu dự án liên quan tất cả các yếu tố căn cơ như: Đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư giáo dục, bảo tồn văn hóa…
Trong số này, tôi tâm đắc với các dự án về đầu tư kinh tế hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất và đa dạng hóa sinh kế. Đây đều là những giải pháp thiết thực giúp thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS trong tỉnh, trong đó có huyện Vân Canh, giúp phát triển KT-XH, góp phần giảm nghèo, giảm khoảng cách phát triển giữa miền núi với đồng bằng.
* Nghệ nhân nhân dân ĐINH CHƯƠNG, người có uy tín ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh:
Quan tâm, đầu tư bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua đã góp phần cải thiện, tạo ra những chuyển biến tích cực trong KT-XH ở vùng đồng bào DTTS huyện Vĩnh Thạnh. Tuy nhiên, cuộc sống chúng tôi vẫn còn những khó khăn, hạn chế.
Tôi và bà con rất phấn khởi, tin tưởng vào những đổi thay tốt đẹp hơn nữa trên quê hương mình trong thời gian tới khi Nghị quyết đi vào cuộc sống.
Trong các mục tiêu của chính sách, có việc tiếp tục quan tâm đến giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ tập quán lạc hậu; thực hiện dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Điều này hết sức ý nghĩa, rất cần thiết trong tình hình hiện nay, khi bản sắc văn hóa truyền thống DTTS đang đứng trước những thách thức, ngày càng mai một. Muốn bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, cần có thêm sự đầu tư từ các chính sách, chương trình, hoạt động có tính quyết liệt, đồng bộ, cụ thể.
3. Nghị quyết ban hành Quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 – 2025
Đây là nghị quyết cần thiết và phù hợp với các khâu đột phá đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ tỉnh, nhằm đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề, lĩnh vực tập trung của tỉnh trong giai đoạn 2022 - 2025.
Đối tượng thu hút gồm có: Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, chuyên gia trong nước và nước ngoài (có ít nhất 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh trở lên được cơ quan có thẩm quyền công nhận) thuộc các ngành, lĩnh vực phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. Cùng với đó là sinh viên tốt nghiệp đại học đạt loại xuất sắc tại các cơ sở giáo dục đại học ở trong nước hoặc đạt loại giỏi trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài được công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật; thạc sĩ đạt tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 140/2017/NĐ-CP (về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ) và thuộc các ngành, lĩnh vực phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.
Sinh viên thực hành tại phòng mô phỏng lưới điện thông minh tại khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Trường ĐH Quy Nhơn. Ảnh: THANH HẢI
Các đối tượng thu hút tập trung vào các lĩnh vực: Nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và truyền thông, kỹ thuật công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, du lịch, phát triển đô thị, kiến trúc, quy hoạch, quản lý đô thị, các ngành kỹ thuật.
Các đối tượng thu hút đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn được hỗ trợ 1 lần với mức 400 triệu đồng (giáo sư), 350 triệu đồng (phó giáo sư), 300 triệu đồng (tiến sĩ), 250 triệu đồng (nhà khoa học, chuyên gia trong nước và nước ngoài)… Cùng với đó là các chế độ hỗ trợ về thuê, mua nhà ở hoặc đất ở.
Về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, người được hỗ trợ có nhu cầu nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc mua nhà ở trên địa bàn tỉnh thì được tỉnh xem xét, hỗ trợ một lần 100 triệu đồng/người. Trường hợp người được hỗ trợ chưa có chỗ ở, được tỉnh xem xét, hỗ trợ tiền thuê nhà ở với mức không quá 2 triệu đồng/tháng/người.
*PGS.TS ĐOÀN ĐỨC TÙNG, đại biểu HĐND tỉnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn:
Chính sách ý nghĩa, rất cần thiết
Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực rất ý nghĩa, cần thiết đối với phát triển KT-XH của tỉnh thời gian đến.
Trường ĐH Quy Nhơn sẽ tiếp tục nỗ lực trong công tác đào tạo, góp phần đáp ứng tốt đối với yêu cầu chính sách của tỉnh đề ra. Trường cũng sẽ thông tin về chính sách, định hướng, khuyến khích các em đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển, ứng tuyển vào các vị trí công tác của tỉnh để đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng và phát triển tỉnh.
Đối với việc hướng đến hỗ trợ nhân lực chất lượng cao và lao động tay nghề cao tại các đơn vị ngoài khu vực Nhà nước, UBND tỉnh cần sớm có quyết định danh mục các ngành nghề cần thu hút gắn với yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. Nếu cần thiết thì cũng nên xem xét việc điều chỉnh, bổ sung phù hợp khi áp dụng trong thực tế, nhằm đạt được mục đích cuối cùng là thu hút được nguồn nhân lực thực sự chất lượng cao.
*Thầy thuốc nhân dân PHẠM THỊ THANH HƯƠNG, đại biểu HĐND tỉnh, Tổng Giám đốc BIDIPHAR:
Mong có thêm hỗ trợ đào tạo, nâng cao về chuyên môn cho nhân lực chất lượng cao
Khi triển khai thực hiện chính sách, cần có hướng dẫn cụ thể hơn về nhân lực chất lượng cao và lao động tay nghề cao, ngành nghề cần thu hút để hỗ trợ vào làm việc tại các đơn vị ngoài khu vực Nhà nước và phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.
Về phía BIDIPHAR, chúng tôi rất cần các em học chuyên ngành Dược, nhưng không đại trà mà tập trung vào các trường: ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, ĐH Dược Hà Nội. Nhiều em ở tỉnh, thành khác cũng muốn về làm việc tại Công ty, nhưng việc ăn, ở, sinh hoạt còn khá khó khăn nên khó thu hút. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết các em không muốn về Bình Định còn do môi trường học tập, nâng cao thêm trình độ chuyên môn còn hạn chế, thiệt thòi so với làm việc ở TP Hồ Chí Minh.
Vì vậy, ngoài chính sách về thuê, mua nhà ở hoặc đất ở, chúng tôi mong tỉnh có thêm hỗ trợ đào tạo các lớp chuyên ngành, nâng cao về chuyên môn tại tỉnh theo nhu cầu, đề xuất cụ thể của DN, đối tượng. Cả DN và Nhà nước cùng hỗ trợ thì cũng giúp DN giảm bớt một phần chi phí và thu hút được người giỏi về làm việc, đóng góp vào việc phát triển KT-XH tỉnh.
N.MUỘI - H.THU (Thực hiện)