Chợ truyền thống cần thay “áo mới”
Nhiều năm trước ở TP Quy Nhơn, chợ là nơi mua bán chủ yếu của người dân. Hiện nay, các chợ phải cạnh tranh quyết liệt với các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử.
Thống kê của UBND TP Quy Nhơn cho hay, thành phố có 27 chợ, gồm: 4 chợ hạng 1 (chợ Đầm, chợ Khu 6 do UBND TP Quy Nhơn thành lập, tổ chức và quản lý; chợ Lớn mới và chợ Dinh do DN quản lý); 23 chợ hạng 2 và hạng 3 do UBND các phường, xã tổ chức và quản lý.
Ông Trần Thanh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý chợ Khu 6, cho biết: Hiện nay việc mua bán tại chợ khá thấp, giảm khoảng 40% so với trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Trong đó, giảm mạnh nhất là các sạp hàng như giày dép, quần áo. Ngay cả những ngành hàng có sức mua khả quan hơn như thực phẩm, gia vị… nhìn chung vẫn giảm sút nhiều so với trước khi phải cạnh tranh với sự phát triển mạnh mẽ của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và đặc biệt là sự xuất hiện của các khu, điểm bán hàng tự phát…
Không gian khu ẩm thực, ăn uống mới của siêu thị Go!. Ảnh: HẢI YẾN
Cũng như cả nước, ở Bình Định, sau khi kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19, vì nhiều nguyên nhân, hoạt động mua bán tại các chợ phục hồi chậm, lại chịu tác động từ “bão giá” nên rất nhiều cửa hàng, sạp kinh doanh ở chợ thu hẹp quy mô. Các gia đình tăng cường cân đối, thắt chặt lại chi tiêu, điều này cũng tác động trực tiếp đến hoạt động mua bán tại các chợ. Sức mua thấp, cũng như không thể gồng gánh nổi các chi phí liên quan nên một số tiểu thương ở các chợ đã bỏ sạp, sang nhượng sạp hoặc chuyển về nhà riêng để kinh doanh.
Ông Mai Văn Tình, Phó trưởng Phòng Kinh tế, UBND TP Quy Nhơn, nhận định: Nhìn chung, hình thức mua sắm tại các chợ, sạp bán hàng truyền thống vẫn chủ yếu là mua trực tiếp hoặc mua gián tiếp; không gian mua sắm tại các chợ vẫn còn nhỏ, một số nơi chưa đảm bảo các điều kiện về vệ sinh. Những điều này khiến cho nhiều mô hình chợ truyền thống gặp những khó khăn.
Đặc biệt, khi số lượng địa điểm, độ đa dạng của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ngày càng lớn với giá cả cạnh tranh, người tiêu dùng sẽ chọn mua hàng ở các nơi này thay vì đến các chợ. Ở TP Quy Nhơn, sự xuất hiện của các điểm kinh doanh như: Siêu thị Gia Hội Mart (đường Tố Hữu, phường Nhơn Bình; chuyên kinh doanh các mặt hàng hóa mỹ phẩm, lương thực, thực phẩm), cửa hàng tiện lợi Vie Mart (đường An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ; phục vụ thức ăn nhanh tại chỗ như: Bánh mì, mì tôm, cơm cuộn, trái cây, nước giải khát…), siêu thị Sunmart (phường Nhơn Bình; cung cấp lương thực, thực phẩm an toàn, phục vụ cư dân khu đô thị Đại Phú Gia, An Phú Thịnh)… khiến các chợ càng thêm khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hồng, nhà đường Bế Văn Đàn, TP Quy Nhơn, cho biết: “Trung bình mỗi tuần, tôi đều đến mua sắm tại siêu thị từ 1 - 2 lần. Siêu thị cái gì cũng có mà mua sắm rất tiện lợi, không sợ hớ giá, lại mát mẻ. Ví dụ cùng là chai nước mắm, chai dầu ăn hay bột ngọt nhưng hàng hóa ở đây rất đa dạng, nhiều loại để lựa chọn hơn sạp chợ và thường xuyên có chương trình khuyến mãi, tặng quà...
Để hỗ trợ cho các hộ kinh doanh tại chợ, từ nhiều nguồn khác nhau, UBND TP Quy Nhơn đã đầu tư khoảng 23,6 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa, xây dựng quầy hàng, trang bị thêm các bàn bán hàng, tủ, kệ... cho tiểu thương ở 5 chợ gồm: Chợ Đầm, Khu 6, Sân Bay, Nhơn Lý, Nhơn Hải.
Chợ Sân Bay là điểm đầu tiên hoàn thành việc cải tạo. Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Quốc An Bình Định, cho biết: Từ ngày 1.7.2022, công ty quản lý chợ Sân Bay. Chúng tôi đang hoàn thiện thủ tục hợp đồng, phân bố lô, sạp với các tiểu thương. Công ty mở fanpage đi chợ trực tuyến, phối hợp với các tiểu thương đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến, mở thêm dịch vụ mua sắm, ăn uống hướng tới đối tượng khách hàng chính là du khách. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất của chúng tôi là phần nhiều các tiểu thương đã lớn tuổi, quen với việc buôn bán, giao dịch theo kiểu truyền thống, không rành về công nghệ…
Để có thể tồn tại và cạnh tranh với các kênh bán hàng khác, hơn ai hết, các tiểu thương ở chợ cần đổi mới về hình thức bán hàng, đảm bảo các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, thái độ phục vụ cần niềm nở, bán đúng giá niêm yết và tiến tới không nói thách… Về phía các đơn vị quản lý, cũng cần đầu tư thêm để sửa sang, làm mới bộ mặt của chợ.
HẢI YẾN