Ô nhiễm môi trường vùng nuôi tôm sinh học Công Lương
Vùng nuôi tôm an toàn sinh học thôn Công Lương (xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn) được nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, hồ lắng để xử lý nước thải, thế nhưng việc nạo vét hồ lắng không được thực hiện thường xuyên, kịp thời. Mặt khác, người nuôi tôm không tuân thủ quy định nên phát sinh mùi hôi thối, làm ảnh hưởng đến dân cư xã Hoài Hải.
Vùng nuôi tôm an toàn sinh học (CRSD) thuộc dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tại thôn Công Lương hiện có 44 hộ nuôi tôm với diện tích khoảng 19 ha, là vùng quy hoạch để nuôi tôm và đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như kênh mương thu gom nước thải, hồ lắng nước thải.
Rác và các loại bao bì vứt ngổn ngang trong ao lắng. Ảnh: V.L
Vùng nuôi tôm an toàn sinh học thôn Công Lương cách khu dân cư thôn Kim Giao Trung (xã Hoài Hải) một con kênh rộng chừng 100 m. Nước và chất thải chưa qua xử lý từ nhiều hồ nuôi tôm, từ các hồ lắng thải trực tiếp ra kênh bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Bà Lê Thị Kim Lan (ở thôn Kim Giao Trung) cho biết: Nước và chất thải từ nuôi tôm thải ra tích tụ lâu ngày bốc mùi hôi thối. Vào mỗi buổi sáng, khi gió Nam thổi qua thì bay mùi hôi tanh rất khó chịu. Đặc biệt là mùa nắng nóng, nguồn nước ở kênh cạn kiệt thì tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn.
Theo ông Nguyễn Lê Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ - ban đầu, người dân thả nuôi theo sự hướng dẫn của ngành chức năng. Tuy nhiên, hiện nay người dân không theo hướng dẫn, thả nuôi tự do, không theo lịch thời vụ; mật độ dày hơn so với quy định, nên chất thải và thức ăn thừa tồn đọng nhiều, gây ô nhiễm nguồn nước. Hiện nay, khối lượng bùn lắng khá lớn nên các hồ lắng đã quá tải và nước thải chưa qua xử lý bơm thẳng ra môi trường.
Ông Tuấn cho biết, tình trạng ô nhiễm tại đây đã tồn tại gần 10 năm nay, chưa có phương án khắc phục triệt để. Mỗi năm xã tổ chức 2 lần nạo vét theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. “Do kinh phí nâng cấp, cải tạo toàn vùng nuôi tôm Công Lương rất lớn, xã không có cơ chế hỗ trợ, nguồn thu hằng năm của xã quá ít nên khó bố trí kinh phí để nạo vét thường xuyên”, ông Tuấn cho hay.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, cho biết: Vừa qua, UBND thị xã đã yêu cầu UBND xã Hoài Mỹ tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động người nuôi tôm nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ môi trường và thả nuôi theo hướng dẫn của ngành thủy sản. Để đảm bảo an toàn môi trường, yêu cầu các hộ nuôi tôm phải có trách nhiệm đóng góp tiền để nạo vét các tuyến mương và hồ lắng.
“Nếu hộ nào không chấp hành, không đảm bảo môi trường, không thực hiện theo chỉ đạo của cơ quan chuyên môn thì không cho họ nuôi nữa, không thể vì phát triển kinh tế mà ảnh hưởng đến môi trường”, ông Công nói.
VĂN LƯU