Nỗi lòng của mẹ
Người mẹ nào cũng mong muốn con mình được sinh ra khỏe mạnh, bình an lớn lên và sống cuộc đời hạnh phúc. Thế nên, với những đứa con không được lành lặn, người mẹ luôn dành nhiều hơn sự nhẫn nại và tình yêu thương...
“Con mình, mình thương…”
Từ tốn lau mặt, sửa sang quần áo, đầu tóc cho con gái, bà Huỳnh Thị Cúc (61 tuổi, ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) vừa nhìn con đầy yêu thương, vừa chậm rãi kể chuyện gia đình. Con bà là chị Đào Thị Tuyết Nhung (37 tuổi), tuy đã trưởng thành nhưng phụ thuộc vào mẹ từ chuyện vệ sinh thân thể đến ăn uống, theo dõi sức khỏe.
“Khi mới chào đời, Nhung khỏe mạnh, kháu khỉnh như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng, trận ốm lúc một tháng tuổi đã khiến não của con bị ảnh hưởng. Lớn hơn một chút, Nhung có thêm triệu chứng co giật. Đưa con đi khám, bác sĩ chẩn đoán Nhung bị tâm thần phân liệt”, giọng bà Cúc buồn buồn.
Bà Cúc ân cần chăm sóc con gái từng li từng tí. Ảnh: D.L
Tình trạng như vậy khiến chị Nhung không thể tự chăm lo cho bản thân. Hằng tháng, bà Cúc phải lo toan chi phí để mua thuốc, điều trị cho con. Thậm chí, vào tuổi dậy thì, khi có “bệnh con gái”, mẹ cũng là người lo cho chị từng chút. Chị Nhung cũng từng được mẹ thử cho học hành nhưng chỉ có thể thực hiện các phép tính đơn giản, thường hay quên và tiếp thu kiến thức chậm hơn bạn cùng trang lứa.
Dù từng nghe vài người gợi ý đưa con vào nơi nuôi dưỡng người tâm thần nhưng bà Cúc không đồng ý, bởi “con mình thì mình thương, làm sao nỡ để con sống xa mẹ, khi mẹ còn sức chăm lo cho con”. Thế là người phụ nữ nhỏ nhắn cùng lúc chăm chồng bị tai biến, nuôi con gái động kinh, luôn chu đáo, tảo tần.
Đồng cảnh ngộ là chị Nguyễn Thị Thừa (40 tuổi, ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước). Chăm sóc chu đáo cho con gái Nguyễn Thị Hoài Thư (14 tuổi, bị bệnh động kinh), chị Thừa không khi nào thấy mệt mỏi. Trái lại, chị thấy mình hạnh phúc vì được thực hiện thiên chức của người mẹ và có một gia đình ấm áp, luôn cùng sẻ chia khó khăn, động viên chị chăm lo cho con gái.
Với những người mẹ khác, cuối ngày, khi con cái đã say giấc cũng là lúc họ được nghỉ ngơi. Nhưng với chị Thừa, đã lâu, chị chưa có giấc ngủ ngon, vì phải tập trung chăm con ngay từ tư thế ngủ. Mỗi đêm, bé trở mình nhiều lần, chị phải nhẹ nhàng chỉnh lại cho con, nhất định không được để con nằm sấp vì sẽ ngạt thở. Thi thoảng, em lên cơn động kinh, chị Thừa phải tỉnh táo, sáng suốt để kịp xử lý.
Chị tâm sự: “Có lần, bé đột nhiên lên cơn giữa đêm, nghiến răng liên tục. Vì đã từng chứng kiến bé làm vậy đến chảy đầy máu, tôi không kịp dùng đũa như mọi khi mà lật đật đưa tay vào miệng con, tránh để bé tự làm đau mình”.
Mẹ con chị Thừa âu yếm, vui đùa với nhau. Ảnh: D.L
Chu toàn, cố gắng vì con
Thường dậy lúc 3 rưỡi, 4 giờ hằng ngày, sau khi lo vệ sinh, cho con ăn uống, bà Cúc vội ra chợ mưu sinh. Đến khoảng 11 giờ, bà tranh thủ về nhà nấu nướng, cho con ăn cơm, uống thuốc; xong xuôi mới lo cho mình. Hơn ba mươi năm qua, ngày mới của bà đều bắt đầu như thế.
Bà kể: “Có lần, vì thấy con ngon giấc quá, tôi không nỡ đánh thức con nên tranh thủ đi chợ sớm rồi về lo bữa sáng cho con sau. Thế nhưng, khi về đến nhà, hàng xóm hốt hoảng báo tin Nhung bị tụt huyết áp. Vì biết sức khỏe con vốn yếu ớt nên tôi vô cùng lo sợ sẽ mất con mãi mãi. Từ đó, tôi không dám lơ là”.
Sự chu toàn của mẹ còn thể hiện ở việc luôn cố gắng thấu hiểu con. Cả chị Nhung lẫn Thư đều gặp vấn đề trong giao tiếp. Do đó, để nắm được tâm lý của con, biết con đang cần gì, muốn gì, cả hai mẹ đều học cách làm quen với mỗi biểu hiện tương ứng với từng trạng thái nhất định. Đó là cách duy nhất để mẹ theo sát tình trạng bệnh của con.
Chị Thừa nghẹn ngào: “Con gái tôi không thể nói chuyện. Điều tôi lo lắng nhất là khi con đau ốm, mệt trong người lại không biết cách nói ra cho mẹ hiểu; buồn vui cũng không thể sẻ chia. Con thiệt thòi, mẹ phải cố gắng để đồng hành, không để con cô đơn”.
Nuôi con khiếm khuyết, bà mẹ nào cũng trở nên mạnh mẽ, kiên cường. Bởi khi ấy, họ không chỉ sống cho mình mà còn là chỗ dựa cho con.
DƯƠNG LINH