Gửi thông điệp yêu thương qua sợi bún
Với mục tiêu mỗi sản phẩm là một người bạn đồng hành, đem lại niềm vui, sự hứng khởi trong việc nội trợ cho phụ nữ, chị Lê Thị Cảnh (giảng viên Trường ĐH Quang Trung) đã khởi nghiệp thành công với thương hiệu bún khô Kicafoods.
Hành trình khởi nghiệp của chị Cảnh bắt đầu từ đầu năm 2021, khi chị đang “bụng mang dạ chửa”. Tin rằng thức ăn nhanh được làm từ các nguyên liệu tự nhiên như quảng cáo, chị thường xuyên sử dụng. Hệ quả là một thời gian sau, chị tăng 20 kg và được bác sĩ chẩn đoán bị dị ứng với các thành phần hóa học, dẫn đến việc chân bị nổi hạt, gây mất thẩm mỹ.
Do đó, chị Cảnh quyết định phát triển sản phẩm lành tính, tiện lợi trong chế biến. Chị nghĩ ngay đến bún khô bởi từ nhỏ, chị đã quen với những mẻ bún do chính gia đình làm nên. Vì là “con nhà nòi”, chị Cảnh vô cùng kỹ lưỡng trong việc lựa chọn gạo, tạo nên công thức riêng để sợi bún được tơi, bở. Chị còn tìm thị trường, khách hàng, tự thiết kế mẫu bao bì. Là giảng viên đang công tác tại Trường ĐH Quang Trung, chị vừa đảm bảo công việc ở trường, đồng thời phải chăm chút cho từng mẻ bún từ 4 giờ sáng.
Chị Cảnh và sản phẩm bún khô Kicafoods do chị sản xuất. Ảnh: NVCC
Đặc biệt, trong từng gói bún của chị Cảnh, chị đều tự tay thiết kế tấm thiệp nhỏ, trên có viết những thông điệp tích cực về con người, cuộc sống.
“Từng xem việc vào bếp là điều khô khan, thích sự tiện lợi của đồ ăn nhanh hơn nấu nướng, tôi đã nảy ra sáng kiến này với hy vọng chị em sẽ cảm thấy việc vào bếp trở nên nhẹ nhàng hơn, vui hơn khi tự tay chế biến những món ăn ngon, tốt cho sức khỏe bản thân và gia đình”, chị Cảnh tâm sự.
Sự sáng tạo trên của chị được nhiều khách hàng thích thú, đón nhận. Chị P.T.T.T (ở xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ) mắc bệnh ung thư đại tràng di căn lên phổi, phải xạ trị lâu dài. Chị T. dù rất thích bún nhưng không dám chọn tùy tiện. Chị T. chia sẻ: “Tôi dùng bún của chị Cảnh không chỉ bởi chất lượng của sợi bún, mà còn vì câu chuyện của chị Cảnh khi cho ra đời sản phẩm này, đồng thời vì ấn tượng trước những thông điệp đơn giản, nhẹ nhàng khiến tôi cảm động và yên tâm sử dụng, chế biến”.
Nhờ sự tỉ mỉ, chỉn chu trong cách làm việc, cuối năm 2021, thương hiệu bún khô Kicafoods được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Bên cạnh sự ủng hộ của người dân địa phương, bún khô của chị đã được thị trường Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lâm Đồng chấp nhận, còn xuất khẩu sang Campuchia. Thay vì dùng 250 kg gạo/ngày để sản xuất bún như ngày đầu khởi nghiệp, hiện tại, con số ấy đã tăng lên gấp đôi. Khởi nghiệp thành công, chị còn tạo điều kiện cho gần 10 chị em là lao động địa phương có việc làm ổn định.
Khó khăn không chỉ ở lúc bắt đầu mà khi đã có chỗ đứng, làm sao để giữ mình trước lợi nhuận, không hạ thấp chất lượng sản phẩm cũng là điều chị Cảnh luôn trăn trở.
“Tôi luôn ghi nhớ mong muốn thuở ban đầu khi khởi nghiệp của mình là tạo ra sản phẩm lành tính, gửi gắm vào đó những lời nhắn thân thương, chia sẻ để chị em thêm trân trọng sức khỏe, từ đó chủ động hơn trong chuyện bếp núc, xem đó là niềm vui”, chị Cảnh bày tỏ.
DIỆU NGỌC