Dành trọn tâm huyết cho khuyến học
Đó là nữ cựu chiến binh - thương binh Trần Thị Thanh Cúc (76 tuổi, ở TP Quy Nhơn). 45 năm gắn bó với ngành Giáo dục, bà Cúc luôn phát huy phẩm chất người lính cụ Hồ, tận tâm giúp đỡ mọi người, nhất là trẻ em, với mong mỏi họ sẽ trở thành công dân có ích cho xã hội.
Tự hào là người lính cụ Hồ
Sự khốc liệt của chiến tranh đã thôi thúc người thiếu nữ hành động từ khi 16 tuổi. Suốt những năm sau đó, với từng nhiệm vụ mà cách mạng giao phó, cô đều nỗ lực hoàn thành tốt.
* Bắt đầu với vị trí giao liên, bà đã từng bước trưởng thành, đi qua nhiều vị trí công tác… Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về quá khứ?
- Năm 16 tuổi, tôi làm công tác quân báo, giao liên, nắm tình hình hoạt động của địch báo cáo cho tổ quân báo huyện, tỉnh, vận động binh lính địch rời hàng ngũ về với cách mạng. Năm 1964, tôi thoát ly gia đình lên vùng giải phóng của xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ). Tại đây, tổ chức cử tôi đi học tại Trường Trung cấp sư phạm ở chiến khu Bình Định, về dạy các em học sinh tại vùng giải phóng xã Mỹ Hiệp.
Năm 1966, địch tiếp tục dồn dân lập ấp chiến lược, phong trào giáo dục tạm lắng; tôi rời vị trí cô giáo và gia nhập vào hàng ngũ quân giải phóng thuộc Tiểu đoàn Liên ấp 3 (Tiểu đoàn đặc công của tỉnh). Tổ chức đã cử tôi đi học y tá về phục vụ tại Tiểu đoàn trên chiến trường khu Đông - chiến trường gian khổ, ác liệt nhất của tỉnh thời bấy giờ.
Mùa xuân 1968, tôi tham gia phục vụ chiến dịch Mậu Thân đánh vào TX Quy Nhơn (nay là TP Quy Nhơn). Đầu năm 1969, Tiểu đoàn Liên ấp 3 giải thể, tôi chuyển sang công tác tại Tiểu đoàn 50 với vị trí là một y tá. Năm 1970, tôi được phân công về cơ quan Tham mưu của Tỉnh đội Bình Định. Năm 1972, tôi vinh dự góp sức cho chiến dịch mùa hè giải phóng hàng loạt thị trấn, thị xã trong tỉnh.
Năm 1974, tôi tiếp tục đi học y sĩ ở Trường Hậu cần Quân khu V (tỉnh Quảng Ngãi). Cuối năm 1976, tôi ra trường, về công tác tại Bệnh xá K200 của Tỉnh đội.
Chủ tịch Hội Khuyến học TP Quy Nhơn, thương binh Trần Thị Thanh Cúc tại nơi làm việc. Ảnh: N.M
* Ký ức về những năm tháng chiến tranh khốc liệt với bà hẳn rất nhiều?
- Ngày là cô giáo làng ở vùng quê Mỹ Hiệp, tôi nhớ mãi những lúc địch bắn pháo ác liệt, cô trò chúng tôi đào hầm trú ẩn, giao thông hào để núp bom pháo. Nếu đạn pháo quá khốc liệt, không học được ban ngày, chúng tôi chuyển sang học ban đêm. Dù khó khăn, ác liệt là vậy nhưng cô trò vẫn thi đua dạy tốt, học tốt. Ngoài dạy học, tôi cũng tham gia cùng địa phương phá ấp chiến lược, vận động nhân dân, học sinh về vùng giải phóng làm ăn và học tập.
Đến khi làm quân y, tôi nhớ hoài những khoảnh khắc đón đồng đội trở về với thương tích, với máu và nước mắt; nhớ những lúc mình ngồi làm điểm tựa cho thương binh vượt qua cơn đau; tranh thủ lên núi hái thêm các loại lá thuốc dân gian để giảm đau, hỗ trợ điều trị cho thương binh.
Trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, tôi nhớ đến lời thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, những khoảnh khắc sinh - tử của tôi và đồng đội. Nhớ cả lần bom xăng của địch làm tôi và 12 đồng đội bị cháy bỏng, được anh em, đồng đội cứu chữa, động viên, nâng đỡ tinh thần…
Đó đều là những ký ức không bao giờ quên. Mỗi ký ức đều nhắc nhở rằng trận chiến ngày ấy gian khổ ác liệt, mạng sống chỉ tính bằng giờ bằng phút. Song, chính trong gian khổ, chúng tôi nhận ra mình lạc quan, cảm thấy tự hào, vinh dự bởi đã đứng vào hàng ngũ những người lính cụ Hồ, trọn đời đi theo ánh sáng, con đường mà Người dẫn dắt.
Nối tiếp duyên với giáo dục
Chiến tranh kết thúc, nữ chiến sĩ quân y Thanh Cúc trở về xây dựng gia đình. Trên người cô, những vết thương (thương binh 41%, chất độc hóa học 40%) vẫn còn đó, như lời nhắc nhở về một thời đau thương, hào hùng, cũng là động lực khơi dậy khát vọng sống ý nghĩa, được đóng góp cho đời.
* Quay lại với nghề giáo trong thời bình, hẳn khó khăn chưa hết với bà…
- Vì hoàn cảnh gia đình, năm 1977, tôi chuyển sang công tác tại Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn, là cán bộ phụ trách mảng mầm non.
Sau khi chiến tranh qua đi, tôi sống nhờ đồng lương ít ỏi của thời bao cấp. Chồng còn làm nhiệm vụ tại chiến trường Campuchia, tôi một mình nuôi hai con nhỏ. Việc nhà, việc cơ quan bộn bề khó khăn, đã có lúc, tôi tưởng mình không thể đảm đương, gánh vác hết. Nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp, người thân, lãnh đạo phòng, tôi từng bước vượt khó vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; trở thành Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn vào năm 1985.
* Về hưu năm 2001, bà vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi?
- Vì còn đau đáu, tâm huyết với sự nghiệp trồng người, tôi đã tình nguyện đăng ký tham gia vào Hội Khuyến học khi Hội mới thành lập với bộn bề khó khăn. Những người tham gia công tác khuyến học đời đầu của TP Quy Nhơn đã xin kinh phí hoạt động, vận động các cơ quan, DN, các nhà hảo tâm, các phường, xã, trường học phát triển hội viên, từng bước hình thành mạng lưới tổ chức Hội.
Đến năm 2017, tôi từ Phó Chủ tịch Hội trở thành Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố. Nhiệm vụ này vẫn tiếp tục cho đến nay khi tôi bước vào tuổi 76 và Hội khuyến học TP Quy Nhơn chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ khóa IV, bước vào nhiệm kỳ mới.
* Đi cùng công tác khuyến học 21 năm, theo bà, công tác khuyến học đã có những bước chuyển tích cực nào?
- Những năm trước, công tác khuyến học chỉ tập trung vào vận động xây dựng quỹ hỗ trợ học bổng, động viên cho học sinh vượt khó học giỏi. Từ năm 2016, công tác khuyến học mở rộng thêm mục tiêu xây dựng xã hội học tập. Chúng tôi bắt vào xây dựng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập”. Đến nay, TP Quy Nhơn đã công nhận hơn 54.000 gia đình học tập, đạt tỷ lệ 65,95% tổng số gia đình; có 16 dòng họ học tập, 145 cộng đồng học tập cấp thôn, 119 đơn vị học tập.
Đây là những kết quả tích cực giúp công tác khuyến học, khuyến tài của TP Quy Nhơn dẫn đầu toàn tỉnh.
Bà Cúc trao các suất hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, động viên các em tiếp tục con đường đến trường. Ảnh: VŨ BẢO
* Dấu ấn mạnh mẽ nhất của công tác khuyến học TP Quy Nhơn có phải là vận động quỹ?
- Đúng vậy, đây là niềm tự hào của Hội Khuyến học các cấp ở TP Quy Nhơn. Chúng tôi đã vận động gần 65 tỷ đồng trong hơn 21 năm. Trong đó, riêng Hội Khuyến học thành phố vận động trên 3,8 tỷ đồng.
Từ nguồn quỹ này, chúng tôi trao học bổng, khen thưởng các thầy giáo, cô giáo các em học sinh, sinh viên cóthành tích cao, hỗtrợcho các em học sinh nghèo vươn lên học khá, học giỏi… trên địa bàn thành phố và một số địa phương (An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh) với tổng trịgiáhơn 63,57 tỷ đồng.
* Bên cạnh những con số, điều gì ấn tượng nhất với bà sau hàng chục năm làm công tác khuyến học?
- Đó là những câu chuyện về những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Từ việc chúng tôi và nhiều tổ chức, cá nhân khác kết nối, hỗ trợ, các cháu có được tương lai tươi sáng hơn.
Tôi nhớ cháu Dương (ở phường Trần Phú) có cha kiếm sống bằng nghề đạp xích lô, mẹ mắc bệnh nặng, nhà ở xuống cấp trầm trọng. Chúng tôi đã đến thăm và động viên, tặng quà hỗ trợ cháu. Từ thông tin của chúng tôi, đồng chí Vũ Hoàng Hà, nguyên Bí thư Tỉnh ủy đã hỗ trợ gia đình cháu xây lại nhà. Hiện tại, cháu đã học xong đại học và làm việc tại TP Hồ Chí Minh.
Còn nhiều những gương mặt trẻ thiệt thòi, bất hạnh nhưng bằng sự chung tay của những người làm công tác khuyến học, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm, con đường đến trường của các cháu đã không đứt quãng.
* Có lúc nào bà mỏi mệt, muốn dừng lại?
- Có chứ, đặc biệt vào những hôm mệt mỏi vì bệnh của tuổi già.
Tuy vậy, với tâm thế của người lính cụ Hồ “còn sức là còn chiến đấu”, tôi không cho phép mình dừng lại, vẫn tiếp tục giúp đỡ mọi người, làm những điều tốt đẹp cho cuộc đời, cho quê hương, đất nước mà tôi và đồng đội từng thề sẽ giữ gìn, bảo vệ.
* Xin cảm ơn bà! Chúc bà thật khỏe mạnh để tiếp tục chặng đường dài đầy trách nhiệm và yêu thương!
NGUYỄN MUỘI (Thực hiện)