Thấy gì với môn tự chọn lớp 10? - Bài 1: Học sinh bối rối, thầy cô băn khoăn
Được xây dựng theo định hướng nghề nghiệp, chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm học 2022 - 2023, lần đầu tiên học sinh lớp 10 chỉ học 8 môn bắt buộc và lựa chọn thêm 1 tổ hợp. Tuy nhiên, khó khăn, lúng túng trong lựa chọn là điều mà cả học sinh, phụ huynh và các trường đang gặp phải trong năm đầu tiên triển khai.
Các trường THPT trên địa bàn tỉnh lên kế hoạch tập trung học sinh ngay sau khi có kết quả thi tuyển, xét tuyển lớp 10 năm học 2022 - 2023 để triển khai cho học sinh đăng ký chọn tổ hợp môn. Tuy nhiên, việc này đang bị “trễ tàu” khi có sự thay đổi về yêu cầu từ môn lựa chọn sang bắt buộc đối với môn Lịch sử.
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, ban đầu học sinh học 7 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương; 5 môn lựa chọn trong 3 nhóm (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn) gồm: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật). Ngày 11.7.2022, Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch 770/KH-BGDĐT đưa Lịch sử vào môn học bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học, nâng số môn học bắt buộc lên 8 môn.
Trường chờ hướng dẫn
Ngày 22.7, ngay khi Sở GD&ĐT phê duyệt kết quả xét tuyển lớp 10 năm học tới, Trường THPT Trần Cao Vân công bố danh sách 509 học sinh trúng tuyển; đồng thời, trường thông báo về phiếu đăng ký môn học tổ hợp.
Theo đó, cùng với 8 môn học bắt buộc, trường xây dựng 4 nhóm môn tự chọn: Vật lý - Hóa học - Sinh học - Công nghệ; Vật lý - Hóa học - Sinh học - Tin học; Địa lý - Giáo dục kinh tế và pháp luật - Vật lý - Tin học; Địa lý - Giáo dục kinh tế và pháp luật - Hóa học - Công nghệ. Mỗi học sinh có thể chọn tối đa 2 nhóm nguyện vọng. Ngoài ra còn có ô “lựa chọn khác theo quy định” cho học sinh.
Trường THPT Trần Cao Vân thông tin phiếu đăng ký môn tổ hợp cho phụ huynh, học sinh chiều 22.7, ngay khi có danh sách học sinh trúng tuyển lớp 10. Ảnh: M.H
Ông Đỗ Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân, thông tin: Căn cứ tình hình thực tế về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và xu hướng chọn tổ hợp môn của học sinh các khóa trước, trường đã xây dựng 4 tổ hợp môn lựa chọn định hướng khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cho học sinh lớp 10 lựa chọn. Nay môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc, trường phải thiết kế lại tổ hợp 4 môn lựa chọn. Phương án này mới là dự kiến vì còn chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT.
“Phụ huynh và học sinh phải cân nhắc thật kỹ trước khi chọn tổ hợp môn. Việc lựa chọn phải căn cứ vào năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp sau này. Bởi khi đã chọn, các em phải theo học suốt ba năm THPT, việc chuyển đổi lớp trong quá trình học sẽ gây xáo trộn công tác tổ chức lớp học cũng như tăng gánh nặng học tập cho các em khi phải học bù kiến thức của tổ hợp khác”.
Ông TRẦN NGỌC ANH, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Phù Mỹ
Kế hoạch ban hành ngày 1.7 của Trường THPT số 1 Phù Mỹ xây dựng 7 nhóm môn tổ hợp. Theo Hiệu trưởng Trần Ngọc Anh, năm học 2022 - 2023, trường có 307 học sinh lớp 10, phân bổ 8 lớp. Trên cơ sở tổ hợp định hướng của trường, học sinh đăng ký 3 nguyện vọng. Nếu nguyện vọng nào có số học sinh đăng ký quá nhiều (vượt quá số lớp dự kiến), hoặc quá ít (không đủ số lượng tổ chức lớp) thì trường điều chỉnh để bố trí sang lớp có tổ hợp môn lựa chọn phù hợp dựa trên kết quả học tập của học sinh ở bậc THCS và điểm thi tuyển vào 10. Tuy nhiên, Lịch sử đưa vào môn bắt buộc nên hiện trường đã xây dựng lại, giảm 1 môn học trong các tổ hợp đã lựa chọn. “Trường kiến nghị Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT sớm có hướng dẫn để các trường triển khai cho phụ huynh và học sinh nắm bắt. Nhiều phụ huynh đến trường hỏi, chúng tôi cũng thông tin, đề nghị phụ huynh chờ”, ông Anh chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều trường dè dặt khi nói về việc xây dựng tổ hợp môn lựa chọn. Ông Hồ Thanh Nam, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Phù Mỹ, cho hay, trường có 355 học sinh vào lớp 10, dự kiến tổ chức 9 lớp. Sắp xếp lại tổ hợp môn thì không quá phức tạp, nhưng sau khi có sự thay đổi ở môn Lịch sử thì việc cắt giảm môn (ở tổ hợp không có môn Lịch sử) hiện mới được dự kiến, và trường phải chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT.
Còn ở trường đầu tiên của tỉnh đã triển khai cho học sinh đăng ký chọn 6 tổ hợp môn học vào cuối tháng 6.2022 là Trường THPT Trưng Vương, đến giờ cũng đã tạm dừng để xây lại phương án tổ hợp môn. “Thời điểm này trường tạm dừng để chờ có hướng dẫn của Bộ GD&ĐT mới triển khai cho học sinh đăng ký lại”, Hiệu trưởng Đỗ Kim Hảo nói.
Học sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023 cần cân nhắc kỹ khi chọn tổ hợp môn học. Ảnh: M.H
Những “cảnh báo sớm”
Việc xuất hiện tổ hợp môn học lựa chọn đồng nghĩa với việc ngay từ lớp 10 năm học tới, học sinh và các bậc phụ huynh đã phải xác định và định hướng nghề nghiệp tương lai. Điều này khiến rất nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng vì nếu chọn sai sẽ ảnh hưởng đến định hướng tương lai của con.
Chưa kịp vui mừng vì con trúng tuyển vào Trường THPT Trưng Vương, chị Nguyễn Thúy Thanh (ở phường Quang Trung, Quy Nhơn) tỏ ra lo lắng khi phải cùng với con “đau đầu” đưa ra quyết định lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10. “Nếu đăng ký cho con tổ hợp khoa học tự nhiên, sau này trường hợp không theo được còn có thể đổi qua tổ hợp xã hội; còn nếu học tổ hợp xã hội thì rất khó để quay sang khối tự nhiên bởi kiến thức nặng về tư duy, tính toán. Chưa kể, còn phải cân nhắc xem chọn nghề nào hợp với khả năng của con và có thể đáp ứng nhu cầu xã hội trong vài năm tới hay không”, chị Thanh bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề này, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về việc triển khai chương trình giáo dục trung học năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT có Hướng dẫn số 1045/SGDĐT-GDTrH, theo đó hướng dẫn mỗi trường THPT xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở GD&ĐT.
Tuy vậy, theo ông Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Phù Cát, việc điều chỉnh môn học lựa chọn cho học sinh kéo theo nhiều vấn đề. Ngoài chuyện phải bổ sung lại kiến thức từ đầu của môn học bị bỏ lỡ của học sinh, việc quản lý của trường cũng phức tạp khi vướng quy định về số lượng học sinh từng lớp.
Ông Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Phù Cát, tư vấn môn học tổ hợp cho phụ huynh học sinh. Ảnh: M.H
Ông Đỗ Kim Hảo cũng có chung nỗi trăn trở, bởi học sinh đã chọn tổ hợp môn nhưng không còn cảm thấy phù hợp và có nguyện vọng chọn lại không phải là ít, khi đó nảy sinh vấn đề rất lớn trong giải quyết. Đồng thời, ông cũng nêu một vấn đề đáng lưu tâm, đó là khi mỗi trường có phương án chọn tổ hợp môn khác nhau, trong trường hợp học sinh chuyển trường vì lý do nào đó sẽ không đơn giản. “Rất nhiều vấn đề được dự lường là khó khăn, đòi hỏi Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể cho các trường chủ động triển khai”, ông Hảo bày tỏ.
MAI HOÀNG
*Bài 2: Liệu có được chọn môn tự chọn...