Phẫu thuật khâu treo trĩ tại BVĐK TP Quy Nhơn:
Nhiều tiện ích hỗ trợ bệnh nhân
Gần 7 năm qua, bà H.T.C.M. (54 tuổi, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) bị chứng táo bón hành hạ. 3-4 ngày bà mới đi cầu một lần, lần nào cũng khó khăn, chật vật. “Khoảng 1 tháng lại bị một lần ra máu khi đi cầu, rặn nhiều thì máu ra xối xả. Ở hậu môn xuất hiện một cục nhỏ, dùng tay đẩy thì nó thụt vào”, bà M. kể lại.
Và cũng từng ấy thời gian bà M. chỉ uống men tiêu hóa để trị chứng táo bón. Đi khám, bà biết mình mắc bệnh trĩ nội độ 3, nhưng vì ngại nên không điều trị. Mãi đến gần đây, khi không chịu nổi những cơn đau khi đi cầu, bà mới quyết định phẫu thuật. Tại BVĐK TP Quy Nhơn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cho bà M. theo phương pháp khâu treo trĩ bằng tay. Ca phẫu thuật thực hiện ngày 2.7; ngay hôm sau, bà M. đã đi lại, ăn uống được. 3 ngày sau mổ, bà đã trở lại sinh hoạt bình thường.
Trước đó không lâu, vào tháng 9.2013, các bác sĩ BVĐK TP Quy Nhơn cũng phẫu thuật treo trĩ điều trị cho bệnh nhân Th. (45 tuổi, ở xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn). Ông Th. bị trĩ ngoại độ 4, phải chịu căn bệnh “khó nói” này hơn 3 năm. Ông Th. cho hay: “Cứ mỗi lần đi cầu lại ra máu nhiều, nhưng sau mổ hiện tượng này dứt hẳn. 10 ngày sau mổ, tôi đã đi lại, làm việc bình thường. Chi phí điều trị phần đồng chi trả bảo hiểm y tế cũng chỉ hơn 1 triệu đồng”.
Tính đến nay, các bác sĩ BVĐK TP Quy Nhơn đã phẫu thuật cho 4 bệnh nhân theo phương pháp khâu treo trĩ bằng tay. Hiện tại, có một bệnh nhân nữ ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước chuẩn bị được mổ. Bệnh nhân 43 tuổi này cũng đã bị trĩ nội độ 3 hơn 2 năm. “Trĩ là một căn bệnh phổ biến nhưng lại khá “tế nhị”, ít người đi khám và điều trị sớm. Bệnh càng kéo dài, việc điều trị càng khó khăn”, bác sĩ Mang Đức Tiến Hoan, Phó trưởng khoa Ngoại, BVĐK TP Quy Nhơn, nhận định.
Theo bác sĩ Hoan, có nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh trĩ, trong đó có 3 phương pháp mới là phẫu thuật Longo, khâu treo trĩ bằng tay và khâu cột động mạch trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler. Các phương pháp phẫu thuật mới này dựa trên nguyên tắc bảo tồn lớp đệm hậu môn, giảm lưu lượng máu đến búi trĩ và cố định mô trĩ vào ống hậu môn. Với các phương pháp phẫu thuật này, vùng phẫu thuật nằm trên cột Morgagni - vùng không có các tiếp nhận cảm giác, do đó không gây đau. Trong khi đó, các phương pháp phẫu thuật trước đó thường để lại vết thương lâu lành, hậu môn ướt, gây khó khăn trong sinh hoạt.
“Khâu treo trĩ bằng tay là phương pháp cải biên từ phẫu thuật Longo, cũng dựa trên nguyên tắc của phẫu thuật Longo là làm giảm lưu lượng máu dẫn đến búi trĩ để thu nhỏ thể tích khối trĩ. Đồng thời, treo búi trĩ lên ống hậu môn bằng các mũi khâu tay, khâu xếp nếp niêm mạc trên đường lược 2-3cm. Phương pháp phẫu thuật khâu treo trĩ bằng tay thường dùng cho bệnh nhân mắc trĩ nội độ 3-4, trĩ ngoại độ 2-3 và trĩ hỗn hợp; không áp dụng cho bệnh nhân bị trĩ trong giai đoạn nhiễm trùng, lở loét, chảy máu”, bác sĩ Hoan phân tích.
Hiện nay, khâu treo trĩ bằng tay được sử dụng phổ biến ở các nước đang phát triển do lợi thế chi phí thấp. Mỗi ca khâu cột động mạch trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler tốn 6-7 triệu đồng, còn phẫu thuật Longo phải từ 10 triệu đồng trở lên. Trong khi đó, khâu treo trĩ bằng tay không có khoản tốn kém phát sinh nào ngoài định mức phí phẫu thuật theo quy định của Nhà nước. Các dụng cụ dùng cho khâu treo trĩ (dụng cụ nông hậu môn) có thể tái sử dụng nhiều lần.
NGUYỄN VĂN TRANG