Thấy gì với môn tự chọn lớp 10? - Bài 2: Liệu có được chọn môn tự chọn…
Được xây dựng theo định hướng nghề nghiệp, chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm học 2022 - 2023, lần đầu tiên học sinh lớp 10 chỉ học 8 môn bắt buộc và lựa chọn thêm 1 tổ hợp. Tuy nhiên, khó khăn, lúng túng trong lựa chọn là điều mà cả học sinh, phụ huynh và các trường đang gặp phải trong năm đầu tiên triển khai.
Bài 2: Liệu có được chọn môn tự chọn…
Không có giáo viên môn Âm nhạc và Mỹ thuật trong định biên, nên tổ hợp môn lựa chọn mà hầu hết các trường xây dựng đều “trắng” 2 môn này. Trong khi đó, một bất cập nữa là tình trạng thừa - thiếu cục bộ giáo viên ở một số môn mà học sinh lựa chọn quá nhiều hoặc quá ít.
Trường học lo thừa, thiếu cục bộ giáo viên
Vì Lịch sử trở thành môn bắt buộc nên nhóm môn khoa học xã hội còn lại 2 môn lựa chọn là Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật. Theo quy định, mỗi nhóm có ít nhất 1 môn lựa chọn thì có khả năng học sinh sẽ chọn môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật, bởi đây là môn thi tốt nghiệp THPT dễ đạt điểm cao, kiến thức thực tế, không phải học nhiều. Nếu học sinh lựa chọn thiên về môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật thì trường học phải tuyển thêm giáo viên, ngược lại môn Địa lý sẽ thừa giáo viên.
Nhiều lãnh đạo trường cho biết, điều băn khoăn là, nếu thầy cô bị thiếu tiết dạy chuẩn thì không biết phải kiêm nhiệm công việc nào cho đủ tiết chuẩn (17 tiết/tuần). Việc dư thừa giáo viên sẽ ảnh hưởng đến ngân sách chi trả lương, thêm gánh nặng cho ngành giáo dục.
Ông Châu Văn Phú (người ngồi), Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Mây (Phù Cát), lo lắng tình trạng thừa giáo viên tổ hợp khoa học tự nhiên, trong khi tổ hợp khoa học xã hội lại thiếu cục bộ. Ảnh: M.H
Tương tự, nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) cũng được dự báo dư thừa giáo viên cục bộ vì học sinh, đặc biệt các trường khối công lập tự chủ ít có xu hướng chọn. Ông Châu Văn Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Mây (Phù Cát), cho biết: Thừa, thiếu cục bộ là bài toán hiện hữu và nan giải nhất của hệ công lập tự chủ. Với 359 học sinh lớp 10 đã trúng tuyển, trường sẽ biên chế thành 8 lớp. Chất lượng đầu vào của học sinh ở tốp dưới nên thấy rõ xu hướng chọn tổ hợp môn lệch hẳn về tổ hợp khoa học xã hội. Năm học 2022 - 2023, nhà trường cũng chỉ mong có được… 1 lớp 10 đủ học sinh đăng ký tổ hợp môn khoa học tự nhiên. Trong khi đó, trường có 44 giáo viên trực tiếp đứng lớp, riêng giáo viên khối tự nhiên có 10 người, gồm Vật lý (4 giáo viên), Hóa học (3), Sinh học (3); khối xã hội trường vừa đủ giáo viên Lịch sử (3), Địa lý (2), Giáo dục kinh tế và Pháp luật (1).
“Nếu chỉ có 1 lớp đăng ký tổ hợp khoa học tự nhiên, 7 lớp còn lại đăng ký tổ hợp khoa học xã hội thì năm học tới nhà trường chấp nhận nhóm giáo viên tự nhiên bị thiếu tiết dạy chuẩn do thừa giáo viên. Ngược lại, giáo viên xã hội sẽ thiếu ở môn Lịch sử và Địa lý. Nếu học sinh chọn hầu hết ở tổ hợp khoa học xã hội thì dự báo, sau 3 năm nữa, các môn tổ hợp tự nhiên chỉ cần 1 giáo viên cho 1 môn học. Đây là cái khó lớn nhất của trường!”, ông Phú nói.
“Vắng bóng” môn Nghệ thuật trong các tổ hợp
Theo phương án về cơ cấu tổ hợp môn lựa chọn các trường đang xây dựng, triển khai cho lớp 10 năm học 2022 - 2023, hầu hết các trường THPT không đăng ký tổ hợp có môn Nghệ thuật (gồm Âm nhạc và Mỹ thuật - 2 môn lựa chọn nằm trong nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật). Đây là điều đã được tiên lượng khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nguyên nhân chính là các trường không có định biên giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc. Việc tổ chức dạy cũng khó vì đòi hỏi có phòng ốc, trang thiết bị. Trong khi đó, việc đi thuê giáo viên, ký hợp đồng với giáo viên các bộ môn này không hề dễ dàng.
Hầu hết trường THPT “vắng” môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) khi không có giáo viên.
- Trong ảnh: Giáo viên dạy môn Âm nhạc của trường liên cấp THCS&THPT tại huyện Vân Canh. Ảnh: M.H
Khi lựa chọn 1 môn trong nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật), ngay từ đầu trong tổ hợp xây dựng của Trường THPT số 1 Phù Mỹ đã “vắng bóng” môn Nghệ thuật. Ông Trần Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Phù Mỹ, cho biết, kế hoạch ban đầu khi Sở GD&ĐT triển khai là hợp đồng với giáo viên dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật khối THCS phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định, trong đó có bằng đại học về ngành, cũng khó khăn nên trường chưa triển khai môn học này trong năm học 2022 - 2023. Thay vào đó, trường xây dựng tổ hợp với môn Tin học và Công nghệ, chờ năm học sau khi Sở GD&ĐT có kế hoạch tuyển dụng giáo viên bộ môn này thì mới triển khai dạy.
Ghi nhận tại nhiều trường THPT khối công lập và công lập tự chủ, ở nhóm môn lựa chọn Công nghệ và Nghệ thuật, gần như chỉ tổ chức dạy hai môn Công nghệ và Tin học. Theo một lãnh đạo của Trường THPT Bình Dương (Phù Mỹ), nhà trường cũng dự kiến phương án các tổ hợp môn lựa chọn ưu tiên năng lực và nguyện vọng cho hơn 300 học sinh khối lớp 10. Dù chưa thể công bố tổ hợp lúc này do còn phải chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, nhưng riêng môn Âm nhạc và Mỹ thuật không đủ cơ sở để đáp ứng dạy và học do chưa có giáo viên của các bộ môn này.
Nhiều giáo viên cũng cho biết, điều đáng tiếc là Chương trình giáo dục 2018 được đánh giá tốt nhưng số môn để thực hiện sẽ không được trọn vẹn, đặc biệt là với các môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Cơ sở vật chất và cả giáo viên của không ít trường cũng chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới dạy học, ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình mới.
Trong khi đó, một số ít trường cho biết không có giáo viên trong tổ hợp môn Nghệ thuật, nhưng trong phiếu đăng ký tổ hợp vẫn thể hiện môn lựa chọn Nghệ thuật. Theo ông Đỗ Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân, hiện trường cũng chưa có giáo viên giảng dạy bộ môn này, do đó, trường cũng đang chờ sau khi học sinh đăng ký mới có kế hoạch cụ thể. Trường hợp nhiều học sinh đăng ký môn học này thì nhà trường có kế hoạch hợp đồng với giáo viên Âm nhạc và giáo viên Mỹ thuật và chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho học sinh. Trường hợp ít học sinh đăng ký, trường sẽ không tổ chức.
Vướng tới đâu gỡ tới đó
Theo ông Vương Trường Quân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT), đây là năm đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở khối THPT, bắt đầu từ lớp 10, vạn sự khởi đầu nan, việc lúng túng, băn khoăn sẽ là điều khó tránh. Mặc dù các trường đã chuẩn bị, chủ động, tuy nhiên, khó khăn về cơ sở vật chất, về nhân lực dẫn tới thực tế chưa thể đáp ứng được một cách tối đa như mong muốn.
Đáng chú ý, có một số nội dung giáo dục, chẳng hạn như liên quan đến môn Nghệ thuật (Mỹ thuật, Âm nhạc) sẽ thực sự khó khăn về cơ sở, giáo viên. Hiện nay trong số 55 trường THPT công lập, công lập tự chủ, trừ khối trường tư thục và trường liên cấp THCS&THPT của huyện miền núi, hầu hết trường THPT hiện không có định biên giáo viên cho hai bộ môn này. Ngay cả trường liên cấp THCS&THPT có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, muốn tổ chức dạy học môn này vẫn buộc phải là giáo viên có trình độ đại học. Vậy nên, trước mắt, các trường cần khảo sát, tìm hiểu nguyện vọng học sinh để tiến tới có những đáp ứng bước đầu.
“Sở cũng đang chờ Bộ GD&ĐT hướng dẫn, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch với mục tiêu nhanh chóng chia sẻ, tham mưu hỗ trợ các nhà trường trong việc tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 bậc THPT. Chắc chắn năm học này là năm học khó khăn, nhưng các trường đều phải chủ động trên tinh thần vướng tới đâu gỡ tới đó, ông Quân chia sẻ.
MAI HOÀNG