KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27.7.1947 - 27.7.2022)
Sáng mãi tinh thần người chiến sĩ cách mạng
Hôm nay (27.7), tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu. Đó là những người không tiếc máu xương đóng góp cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong thời bình, họ tiếp tục phát huy phẩm chất bộ đội
Cụ Hồ, trở thành những tấm gương điển hình trong công tác, lao động, tiếp tục thực hiện lý tưởng “tô hồng non sông Việt Nam”.
Quyết chí, bền lòng
Bà Nguyễn Hà Thị Ẩn (SN 1954, ở xã Phước An, huyện Tuy Phước; Giám đốc Công ty TNHH TMSX Hà Ẩn) là một trong số hàng trăm người có công với cách mạng đã nỗ lực vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi của tỉnh.
Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, mới 13 tuổi, bà đã tham gia tiếp tế, bảo vệ cán bộ cách mạng và phụ trách công tác giao liên. 17 tuổi, bà bị địch bắt, bị chuyển qua nhiều nhà tù, chịu bao cực hình đến “chết đi sống lại”, nhưng luôn kiên định bảo vệ lý tưởng cách mạng. Hậu quả của đòn roi tra tấn khiến sức khỏe giảm sút, buộc bà phải nghỉ hưu trước tuổi vào năm 2005.
Sáng 26.7, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp Đoàn đại biểu người có công tỉnh Bình Định nhân dịp đoàn dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và Gặp mặt đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022 tại Thủ đô Hà Nội; trong đó có bà Nguyễn Thị Thúy Hồng và bà Nguyễn Hà Thị Ẩn. Nguồn: vov.vn
Năm 2007, bà Ẩn quyết định thành lập DN chuyên kinh doanh phân bón. Bao khó khăn ập đến, điển hình như vào năm 2009, mưa lụt cuốn trôi lượng phân bón trị giá hơn 1/3 số vốn. Vậy nhưng bà không hề nao núng, chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc.
Thiếu vốn, bà vay ngân hàng, rồi tích cực học hỏi kinh nghiệm kinh doanh, dự lường rủi ro trong thương trường, nhất là khi đã tham gia vào Hội Nữ doanh nhân tỉnh. Dần dà, kinh nghiệm tích lũy được cùng bản lĩnh vượt khó của bà đã giúp Công ty Hà Ẩn phát triển không ngừng.
Hiện tại, Công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh phân bón và vận tải hàng hóa, có doanh thu hằng năm trên 100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 40 lao động. Là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nữ doanh nhân tỉnh, bà Ẩn còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ rất nhiều phụ nữ khởi sự kinh doanh. Ở địa phương, vợ chồng bà tích cực hưởng ứng những hoạt động đền ơn đáp nghĩa, trong đó đã ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện Tuy Phước hơn 200 triệu đồng.
“Hằng năm, Công ty đều trích hàng trăm triệu đồng từ quỹ phúc lợi để tiếp sức trẻ em nghèo hiếu học, tạo động lực cho những phụ nữ kém may mắn vượt qua nghịch cảnh, giúp người có công gặp khó khăn trong cuộc sống, hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo, giúp bệnh nhân nghèo có tiền chữa bệnh...”, bà Ẩn cho hay.
Thương người như thể thương thân
Nhiều thương binh từng chia sẻ rằng, động lực lớn nhất thôi thúc họ đi theo cách mạng là vì muốn nhìn thấy cảnh đất nước thanh bình, người dân được sống trong ấm no, yên vui, hạnh phúc. Lý tưởng cách mạng ấy mãi trường tồn ngay cả khi trái tim ngừng đập.
Ở TP Quy Nhơn, thương binh Nguyễn Thị Thúy Hồng (SN 1953, Bí thư Chi bộ khu phố 3, phường Lý Thường Kiệt) “chưa từng ngừng phục vụ nhân dân”. Sau khi về hưu năm 2008, bà tham gia ngay vào các công việc tại địa phương. Gần 15 năm qua, bà tham gia cấp ủy, làm phó bí thư rồi bí thư chi bộ, hiện tại còn kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận của khu phố. Từ năm 2020, bà còn được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị cách mạng của phường.
Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương - tặng quà cho người có công đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm chăm sóc và điều dưỡng người có công tỉnh. Ảnh: HỒNG PHÚC
Ngoài công tác tại khu phố, phường, bà Hồng còn làm Phó Đoàn Hội thẩm nhân dân tỉnh, hòa giải viên TAND tỉnh và Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Là thương binh, từng bị địch bắt, tù đày lại tuổi cao, sức khỏe giảm sút, nhưng ngay cả lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất, bất cứ lúc nào người dân trong khu phố cần, bà Hồng vẫn có mặt ngay.
“Nắm trong lòng bàn tay” từng trường hợp khó khăn trong khu phố, bà Hồng luôn dõi theo và kịp thời vận động, kêu gọi nguồn lực để người khó khăn chạy thận trong khu phố có được tấm thẻ BHYT, gia đình có nhiều người câm điếc được tặng lương thực, nhu yếu phẩm; người gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có số vốn mở tiệm bánh trang trải cuộc sống… Từng là Chánh Tòa dân sự TAND tỉnh, về địa phương, bà tham gia hiệu quả công tác hòa giải, nên đầu đường cuối phố người dân đồng thuận, mọi khúc mắc, mâu thuẫn được hóa giải.
Vì nhân dân phục vụ
Cũng như bà Hồng, ở TX Hoài Nhơn, thương binh Lê Phát Tường (SN 1954, ở phường Hoài Thanh Tây) luôn đặt mục tiêu “vì nhân dân phục vụ” từ khi còn là y sĩ trực tiếp chăm sóc, chữa trị cho thương binh tại Trạm Bác Ái II (tiền thân của TTYT TX Hoài Nhơn hiện nay) trong những năm tháng khói lửa.
Ông Lê Phát Tường đến thăm, hỏi thăm sức khỏe người dân ở phường Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn. Ảnh: Trung tâm VH-TT&TT Hoài Nhơn
Những tháng ngày làm việc tại TTYT TX Hoài Nhơn sau đó, và ngay cả khi đã về hưu, ông vẫn dành thời gian hỗ trợ đội ngũ y tế phường, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn; trực tiếp thăm khám sức khỏe cho người già, người có công hay ốm đau theo mong muốn của họ. Bà Huỳnh Thị Liễu (vợ liệt sĩ) chỉ muốn uống thuốc ông Tường kê toa lúc ốm đau, bởi ngoài hiệu quả mà thuốc mang lại, bà còn có niềm tin vào “người đồng chí của chồng mình”.
Theo ông Lê Văn Nam, Chủ tịch UBND phường Hoài Thanh Tây, thương binh Lê Phát Tường rất tích cực trong công tác xã hội tại cộng đồng, nơi cư trú, sẵn sàng góp sức chăm lo sức khỏe cho người dân khi phường đề nghị. “Ông thường xuyên tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch Covid-19 nói riêng. Sức khỏe cho phép nên ông thường đi xe máy đến tận nhà người bệnh có hoàn cảnh khó khăn thăm khám, kê toa miễn phí”, ông Nam cho hay.
NGỌC TÚ