Vọng vang những trang sử hào hùng
Tối 27.7, Ðài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Khúc tráng ca hòa bình” với 6 điểm cầu trải dài từ Bắc vào Nam, qua các tỉnh, thành: Hà Giang, Hà Nội, Quảng Nam, Bình Ðịnh, TP Hồ Chí Minh và An Giang. Tại Bình Ðịnh, điểm cầu truyền hình diễn ra tại Ðền thờ liệt sĩ TX Hoài Nhơn.
Dấu ấn đất và người Bình Ðịnh
Dù có chung chủ điểm nhưng tại mỗi điểm cầu, Ban Tổ chức chương trình chủ động chọn lọc giới thiệu những nét rất riêng của từng tỉnh, thành để tạo điểm nhấn. Ngay chương đầu mang tên “Những dấu chân hòa bình”, chương trình giới thiệu Bình Định là nơi chứng kiến phút biệt ly lịch sử khi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành chào từ biệt cha, dấn thân vào hành trình tìm đường cứu nước.
Chương trình nghệ thuật trước sóng trực tiếp do Sở VH-TT thực hiện mang đậm bản sắc văn hóa Bình Định. Ảnh: VĨNH NGUYÊN
Có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ nối liền khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Bình Định là điểm tập kết cuối cùng của miền Nam, là vùng trọng điểm trong các chiến lược chiến tranh, là mảnh đất oằn mình hứng chịu mưa bom bão đạn. Người bộ đội Cụ Hồ quê Bình Định mang theo hào khí Quang Trung, tinh thần thượng võ quật cường vào những cuộc chiến, dưới làn tên mũi đạn, khí chất can trường sáng lung linh, góp phần làm nên những chiến thắng, giúp non sông thu về một mối.
Cũng với mục đích tạo điểm nhấn cho từng vùng đất, chương trình đã dùng hình ảnh tàu không số cập bến Lộ Diêu để minh họa cho bài hát Tổ quốc gọi tên mình do ca sĩ tại điểm cầu Bình Định thể hiện. Trong muôn ngàn con sóng nơi Hoàng Sa - Trường Sa, biết bao “cái chết hóa thành bất tử” để giữ gìn tấc đất vùng biển cho quê hương, Tổ quốc. Khúc bi tráng trên đồi Xuân Sơn cũng được thể hiện đậm đặc chất bi hùng. Trong tiềm thức của những người con quê hương Hoài Ân, hình ảnh người chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng chính là biểu tượng của tinh thần anh dũng chiến đấu và hy sinh vì cuộc sống bình yên của quê hương.
Ở chương hai có chủ đề “Bài ca không quên”, hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng Bình Định hòa cùng dáng mẹ Việt Nam anh hùng Quảng Nam tạo nên những tượng đài về tình mẫu tử thiêng liêng. Cùng với đó là nỗi niềm của những người lính từng giờ từng phút đau đáu, mong muốn tìm được đồng đội, đưa họ về với quê nhà, người thân.
Chương cuối có chủ đề “Khát vọng hòa bình” đề cao tinh thần, ý chí quật cường của những người lính năm xưa, đã không ngừng nỗ lực để tiếp tục chiến thắng bao khó khăn, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, xã hội, tiếp tục đóng góp sức mình cho sự phồn thịnh của quê hương, đất nước.
Những người lính Bình Định cùng đồng đội, đồng chí cả nước trở về trong ngày hòa bình, mang theo tinh thần lạc quan “tàn mà không phế”, tiếp tục đổi mới, viết tiếp trang sử hào hùng của hòa bình, phát triển và phồn vinh. Đó còn là lời hứa thiêng liêng của những người còn sống với những đồng đội đã khuất.
Tất cả đã sẵn sàng
Thông tin về công tác chuẩn bị cho chương trình diễn ra chính thức vào tối 27.7, ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT khẳng định, mọi khâu chuẩn bị của tỉnh mang tính chất hỗ trợ cho Ban Tổ chức chương trình đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng yêu cầu VTV đưa ra. Việc chọn người có công tham gia phần giao lưu cũng đảm bảo tiêu chuẩn, kịch bản của VTV. Đặc biệt, chương trình nghệ thuật trước khi tiếp sóng cũng đậm đặc bản sắc văn hóa Bình Định.
Ông Lợi cho rằng, việc Bình Định được chọn là 1 trong 6 điểm cầu là niềm vinh dự, tự hào, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh trong các cuộc kháng chiến. “Đặc biệt, bệnh binh 81% Võ Thanh Triên (ở xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn) được VTV làm phóng sự, phát trong thời lượng chương trình, để biểu dương gương người có công làm kinh tế giỏi là điều rất đáng phấn khởi”, ông Lợi chia sẻ.
Từ 15 giờ ngày 26.7, biên đạo múa Thu Hương của Bình Định đã tất bật ra nơi tổng duyệt để chuẩn bị. Chị cho biết mình nhận lời hỗ trợ biên đạo cho VTV trong chương trình truyền hình trực tiếp mà lòng rất đỗi tự hào, dù khá vất vả do thời gian chuẩn bị ngắn. Hoạt cảnh múa thể hiện hình tượng về cuộc tiến quân thần tốc của vua Quang Trung cùng tinh thần thượng võ của người dân Bình Định dù đã dàn dựng không biết bao nhiêu lần, nhưng lần này, chị vẫn cứ thấy xao xuyến, bồi hồi.
“Khí thế tiến công thần tốc, tinh thần bất khuất, ý chí quật cường của người lính bộ đội Cụ Hồ quê hương Bình Định bật lên khí chất rất riêng của người dân miền đất võ. Tất cả tạo ra sự hấp dẫn của chương trình, giúp cho từng lời ca, tiếng ca, câu chuyện chuyển tải được tinh thần, ý nghĩa của chương trình mà Ban Tổ chức muốn gửi gắm đến người xem”, biên đạo Thu Hương chia sẻ.
Theo kịch bản, Chương trình “Khúc tráng ca hòa bình” có 3 chương.
Chương 1 mang tựa đề “Những dấu chân hòa bình”, làm nổi bật lên thông điệp: Dân tộc ta từ bao đời nay cứ mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, đất nước cần đến hay nền hòa bình bị đe dọa thì lớp lớp các thế hệ lại sẵn sàng lên đường. Những dấu chân các thế hệ từ thuở dựng nước đến nay đã để lại dấu ấn không thể quên về một thời ta đã sống và hy sinh vì hòa bình.
Chương 2 có chủ đề “Bài ca không quên”, là câu chuyện về những con người đã đi qua mất mát của chiến tranh, đường về của những “dấu chân hòa bình” mỗi người mỗi khác. Có người trở về với “dấu chân tròn trên cát”, có người mất nhiều chục năm sau để đoàn tụ được với người thân, có người mải miết đi tìm đồng đội cũ… Những người còn sống mang trong tâm tưởng “bài ca không quên” về những người con đã ngã xuống.
Chương cuối được đặt tên “Khát vọng hòa bình”, thể hiện ý nghĩa người Việt Nam hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình sau quá nhiều mất mát vì chiến tranh. Bởi thế, các thế hệ giờ đây cùng chung tay bảo vệ hòa bình, khơi dậy động lực cống hiến, hy sinh vì một Việt Nam phát triển phồn vinh, mở ra những cơ hội lớn, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mơ ước, gửi gắm.
NGỌC NGA