Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn
10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 5.11.2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, huyện Tuy Phước đã xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo chính sách đạt hiệu quả.
Thực hiện Chỉ thị số 19- CT/TW, trong từng giai đoạn, từng năm, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Tuy Phước xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp, chỉ đạo, lãnh đạo triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn. Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với công tác dạy nghề cho LĐNT có sự chuyển biến tích cực. Các cấp ủy đảng, chính quyền đề ra nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, thiết thực với thực tế địa phương để giúp người lao động có việc làm và nâng cao thu nhập, góp phần nâng cao mức sống của người dân, giảm nghèo bền vững.
Nỗ lực đổi mới
Thực hiện chủ trương đổi mới dạy nghề cho LĐNT, huyện Tuy Phước đã sắp xếp hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp, kiện toàn tổ chức, nhân sự, xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ dạy nghề cho LĐNT. Huyện có 1 đơn vị tham gia công tác đào tạo nghề cho LĐNT là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện. Trong những năm qua, từ các nguồn đầu tư, hỗ trợ, Trung tâm được nâng cấp và mở rộng, đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa.
Huyện Tuy Phước cũng phối hợp với các đơn vị dạy nghề trên địa bàn tỉnh (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Công đoàn Bình Định, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định…) để tổ chức các lớp đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu học nghề của LĐNT trên địa bàn huyện. Trong quá trình triển khai đào tạo, các đơn vị dạy nghề còn huy động các nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề tại các DN tham gia vào công tác này.
Giờ thực hành của học viên LĐNT lớp trồng rau an toàn tại xã Phước Hiệp. Ảnh: Trung tâm GDNN Bình Định
Việc điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cũng được triển khai thường xuyên. Từ đó, UBND huyện có kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH ở địa phương, nhu cầu thực tiễn của người dân, người sử dụng lao động; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
“Việc khảo sát cũng giúp Phòng LĐ-TB&XH, Phòng NN&PTNT huyện lựa chọn những đơn vị dạy nghề có đủ điều kiện, năng lực để ký hợp đồng dạy nghề cho LĐNT, đảm bảo chất lượng đào tạo”, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước, cho biết.
Phát huy hiệu quả
Giai đoạn 2010 - 2015, huyện Tuy Phước đã phối hợp mở 84 lớp dạy nghề cho 2.927 LĐNT . Giai đoạn 2016 - 2020, số lượng lớp học nghề tăng lên, đạt 102 lớp/3.757 học viên. Riêng năm 2021, huyện đã phối hợp mở 5 lớp cho 169 LĐNT. Qua việc triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT, huyện Tuy Phước đã nâng tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm qua đào tạo từ 32,39% (năm 2010) lên 56,7% (năm 2021).
Đến năm 2030, huyện Tuy Phước phấn đấu đạt mục tiêu 80% lao động qua đào tạo nghề, tập huấn nghề; trên 85% LĐNT sau khi học nghề có việc làm và tự tạo việc làm; 100% LĐNT được tuyên truyền, phổ biến về chính sách học nghề theo quy định.
Trong nhiều năm qua, huyện đã phối hợp xây dựng các mô hình đào tạo nghề cho LĐNT có hiệu quả. Đơn cử như liên kết giữa cơ sở đào tạo với các DN đào tạo nghề may công nghiệp cho 150 công nhân tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ may Phước Sơn, 70 công nhân tại Công ty TNHH Tứ Năng; thành lập các tổ, nhóm hợp tác làm nghề đan nhựa giả mây, tạo dáng và chăm sóc cây cảnh...
Đặc biệt, với sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ du lịch, nghề kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng thu hút một lượng lớn LĐNT đăng ký học. Qua khảo sát, trên 90% lao động sau đào tạo được tuyển dụng, tự tạo việc làm. Trên lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, LĐNT được hỗ trợ các tiến bộ kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất thông qua các lớp nghề trồng và nhân giống nấm, trồng hoa cúc, hồng, đồng tiền, trồng rau an toàn...
Chị Phạm Thị Tuyết (48 tuổi, ở xã Phước Sơn, học viên của lớp nghề đan nhựa giả mây), cho biết: “Sau khi học xong nghề, tôi tham gia vào nhóm hợp tác của một chị tại địa phương để gia công sản phẩm theo các đơn hàng của công ty. Công việc này giúp tôi tranh thủ thời gian lúc nông nhàn, khi rảnh rỗi, vừa có thể chăm sóc gia đình. Vậy là rất ý nghĩa!”.
NGUYỄN MUỘI